Back to top

Bệnh lao là gì? Triệu chứng ra sao? Có trị khỏi được không

Người đăng/tác giả : Pacific Cross Vietnam

This post is also available in: English

Tổng cộng có 1,6 triệu người chết vì bệnh lao vào năm 2021 (trong đó có 187.000 người nhiễm HIV). Trên toàn thế giới, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 13 và là kẻ giết người truyền nhiễm đứng thứ hai sau COVID-19 (trên HIV/AIDS).

Vào năm 2021, ước tính có khoảng 10,6 triệu người mắc bệnh lao (TB) trên toàn thế giới. Sáu triệu đàn ông, 3,4 triệu phụ nữ và 1,2 triệu trẻ em. Bệnh lao hiện diện ở mọi quốc gia và mọi lứa tuổi. Nhưng bệnh lao có thể chữa khỏi và phòng ngừa được.

Bạn có biết, chứng ho dai dẳng có thể xem là bệnh lao phổi, vậy cụ thể lao là bệnh gì? Tuy lao có thể ảnh hưởng đến tất cả cơ quan trong cơ thể nhưng phổi và hệ hô hấp là hai cơ quan thường xuyên bị mắc bệnh nhất. Trước khi có kháng sinh, bệnh lao là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho nhân loại. Vì khi đó, mắc lao đồng nghĩa với việc người bệnh suy kiệt và có thể dẫn đến tử vong. 

Vi khuẩn lao có cấu tạo khá đặc biệt, có thể kháng lại một số loại kháng sinh thông thường. Do đó, ngay cả trong thời đại kháng sinh đa dạng như hiện nay, các loại thuốc được chọn lựa điều trị lao cũng không đa dạng và tình trạng kháng thuốc đôi khi làm cho việc điều trị khá khó khăn.

Bệnh lao ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người bệnh

Bệnh lao ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người bệnh

Bệnh lao là gì?

Bệnh lao hay ho lao là gì được xem là thắc mắc của nhiều người. Căn bệnh này bị gây ra bởi người bệnh nhiễm phải một loại vi khuẩn tấn công và hủy hoại mô cơ thể. Vi khuẩn này tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) và lây truyền qua không khí.

Nhiều bệnh nhân thường mắc nhiễm lao giai đoạn ủ bệnh, gọi là bệnh lao tiềm tàng. Sau một khoảng thời gian tùy vào sức khỏe người bệnh, có thể trong vài tuần cho tới vài năm, vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động và gây các triệu chứng bệnh. Sau đó bệnh lao xuất hiện.

Đặc biệt nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu đi, chẳng hạn như khi bệnh HIV, ung thư hoặc hóa trị liệu, bệnh lao sẽ phát triển nhanh hơn. Bệnh thường ảnh hưởng đến phổi nhưng có thể lan ra (phát tán) đến xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác.

Những ai thường mắc phải bệnh lao?

Ở một số trường hợp, giai đoạn ủ bệnh của ho lao sẽ ngắn vì người bệnh có hệ miễn dịch yếu. Từ sau giai đoạn bệnh toàn phát, bệnh lao sẽ trở thành bệnh dễ lây truyền. Những nhóm người dưới đây thường có nguy cơ cao mắc bệnh lao phổi, bao gồm:

  • Bị HIV hoặc các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch.
  • Đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh lao.
  • Chăm sóc bệnh nhân bị lao, như bác sĩ hay y tá
  • Sống và làm việc ở nơi có người bị lao, như trại tị nạn, trạm xá.
  • Người sống ở nơi có điều kiện y tế thấp kém.
  • Lạm dụng rượu hoặc ma túy.
  • Du lịch đến những nơi bệnh ho lao vẫn còn phổ biến. Đa số là ở những khu vực còn đang phát triển như Mỹ Latinh, Châu Phi, Châu Á, Đông Âu và Nga.
Virus lao tấn công nhanh chóng

Virus lao tấn công nhanh chóng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh lao là gì?

Trong giai đoạn ủ bệnh của lao, bạn thường cảm thấy rất bình thường. Đa số người bệnh sẽ không có triệu chứng nào trong giai đoạn này và bệnh cũng không lây lan. Sau khi bệnh đã phát triển, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Tùy vào cơ quan nào bị ảnh hưởng, các triệu chứng bệnh lao có thể bao gồm ho kéo dài trong ít nhất 3 tuần, ho kèm theo đờm hoặc máu, đau ngực, sốt, đổ mồ hôi đêm, sụt cân, ăn không ngon miệng, mệt mỏi và yếu ớt. Các dấu hiệu của lao có thể gây ra do nhiều bệnh liên quan đến phổi khác.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị sốt, sụt cân không rõ lý do và đổ mồ hôi đêm. Đặc biệt nếu bạn bị ho dai dẳng trên 3 tuần thì có nguy cơ đó là do bệnh lao. Đây thường là dấu hiệu của bệnh lao, nhưng cũng có thể là triệu chứng của bệnh khác. Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm giúp bạn xác định nguyên nhân gây bệnh.

Những cơn ho dai dẳng kéo dài

Những cơn ho dai dẳng kéo dài

Nguyên nhân gây ra bệnh lao là gì?

Nguyên nhân gây bệnh là một loại vi khuẩn tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB). Đây là vi khuẩn lây truyền qua không khí, tức là bạn có thể hít phải không khí có vi khuẩn do tiếp xúc gần, hít thở vi khuẩn trong cùng bầu không khí mà người bệnh lây lan khi ho.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao MTB không hoạt động ngay mà sẽ ở trạng tháng “ngủ”. Giai đoạn này gọi là giai đoạn ủ bệnh. Vì vi khuẩn chưa hoạt động nên không có triệu chứng và không lây lan. Nếu xét nghiệm, bạn vẫn sẽ có kết quả dương tính với vi khuẩn này dù không có dấu hiệu nào cả. Nguy cơ bệnh lao có thể giảm đáng kể nếu phát hiện vi khuẩn sớm từ giai đoạn này.

Tuy vậy, trong mười người nhiễm vi khuẩn MTB, thì sẽ có một người sẽ phát triển thành bệnh. Vi khuẩn sẽ tấn công cơ thể khi hệ miễn dịch chưa kịp chống lại chúng, hoặc sẽ chờ tới khi hệ miễn dịch yếu đi (như ở người cao tuổi, người nhiễm HIV…). Vì vậy, thời gian ủ bệnh sẽ khác với mỗi người. Khi đã hoạt động, vi khuẩn sẽ phát triển từ phổi và theo máu di chuyển sang các cơ quan khác của cơ thể.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao?

Một số yếu tố sau có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh lao. Đa số các trường hợp có nguy cơ bệnh lao đều có hệ miễn dịch yếu, bao gồm:

  • HIV/AIDS;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Bệnh thận giai đoạn cuối;
  • Một số căn bệnh ung thư;
  • Bệnh suy dinh dưỡng;
  • Bạn đang thực hiện một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hoá trị liệu;
  • Bạn đang dùng một số loại thuốc dùng để điều trị viêm khớp, bệnh Crohn và bệnh vảy nến.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Bệnh lao phổi cần được điều trị càng sớm càng tốt

Bệnh lao phổi cần được điều trị càng sớm càng tốt

Phương pháp chẩn đoán bệnh lao

​​Một số xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh lao (TB), tùy thuộc vào loại bệnh lao bị nghi ngờ.

Bạn có thể chụp X-quang ngực để tìm kiếm những thay đổi về hình dáng bên ngoài của phổi. Các mẫu đờm cũng sẽ thường được lấy để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn lao. Những xét nghiệm này rất quan trọng trong việc giúp quyết định phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bạn.

Một số xét nghiệm có thể được sử dụng để xác nhận bệnh lao ngoài phổi bao gồm:

  • Chụp CT,  chụp MRI hoặc  siêu âm bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể
  • Nội soi: kiểm tra bên trong cơ thể bằng một ống dài, mỏng có đèn và máy ảnh ở một đầu. Ống nội soi có thể được đưa vào miệng của bạn, hoặc qua một vết cắt nhỏ được tạo ra ở da nếu cần kiểm tra các bộ phận khác trên cơ thể.
  • Xét nghiệm nước tiểu và máu
  • Sinh thiết – một mẫu mô nhỏ hoặc chất lỏng được lấy từ khu vực bị ảnh hưởng và xét nghiệm vi khuẩn lao.
  • Bạn cũng có thể được chọc dò tủy sống, trong đó một mẫu nhỏ dịch não tủy được lấy từ đáy cột sống. Mẫu này có thể được kiểm tra để xem liệu bệnh lao đã lây nhiễm vào não và tủy sống (hệ thống thần kinh trung ương) của bạn hay chưa.

Điều trị bệnh lao

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh lao?

Bệnh lao có thể chữa trị khỏi tương đối dễ dàng. Thường bạn phải sử dụng thuốc trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn. Việc điều trị đúng cách thường bao gồm việc sử dụng 3-4 loại kháng sinh hằng ngày. Bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn sau vài tuần. Dù vậy, bệnh vẫn có thể tái phát.

Việc hoàn tất quá trình điều trị kể cả khi các triệu chứng biến mất rất quan trọng. Nếu các loại thuốc được ngưng sử dụng quá sớm, vi khuẩn vẫn còn ở trong cơ thể. Bệnh lao có thể quay trở lại, lan đến các phần khác của cơ thể và lây cho người khác. Thành viên gia đình và những người tiếp xúc gần với bạn nên được theo dõi có mắc bệnh hay không.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh lao?

Nếu bạn ho không rõ lý do, ho dai dẳng, sụt cân hoặc sốt, có thể đó là do bệnh lao. Bác sĩ sẽ hỏi về nơi sống, làm việc và những người bạn tiếp xúc để phát hiện nguồn lây nhiễm bệnh lao. Tiền sử bệnh lao hoặc kết quả xét nghiệm da, các yếu tố rủi ro (đặc biệt là HIV), du lịch nước ngoài và làm công việc ngoài trời cũng là một trong số các yếu tố quyết định chẩn đoán.

Việc xét nghiệm phản ứng lao tố (PPD) có thể được tiến hành. Đối với xét nghiệm này, một lượng nhỏ dịch chứa protein từ vi khuẩn lao sẽ được tiêm vào dưới da vùng cánh tay của bạn, vết sưng xuất hiện sẽ được đo từ 48-72 tiếng sau đó. Kích thước của vết sưng ở vị trí được tiêm dịch vào sẽ xác định xét nghiệm tuberculin có dương tính hay không. Kết quả dương tính thường có nghĩa là người đó đã bị nhiễm bệnh lao.

Bác sĩ cũng có thể chụp X-quang ngực và lấy mẫu đờm, máu hoặc nước tiểu để kiểm tra sự có mặt của vi khuẩn MTB. Xét nghiệm HIV cũng có thể được thực hiện.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lao?

Những việc sau đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lao:

  • Uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ;
  • Sử dụng hộp chia thuốc hằng ngày để uống thuốc đúng theo lịch;
  • Hỏi bác sĩ về những tác dụng phụ của thuốc;
  • Tái khám đúng hẹn;
  • Cẩn thận không lây bệnh cho người khác;
  • Làm theo hướng dẫn của bác sĩ về việc giữ vệ sinh;
  • Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị sốt hoặc ớn lạnh, khi bạn quan tâm về các tác dụng của thuốc; khi bạn xuất hiện các triệu chứng kéo dài hoặc xấu đi mặc dù đang sử dụng thuốc; nếu bạn ho kèm theo đờm đổi màu hoặc có máu.
Cần phải điều trị dứt điểm bệnh lao phổi

Cần phải điều trị dứt điểm bệnh lao phổi

Lao là một bệnh nghiêm trọng tuy nhiên bệnh chỉ phát triển trong những bệnh cảnh đặc biệt. Thông thường, một người khỏe mạnh hoàn toàn có thể chống chọi lại việc nhiễm lao. Bệnh lao chỉ thường xảy ra ở những người sức khỏe kém và có hệ miễn dịch suy giảm.

Những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, đái tháo đường, hay những người có sức khỏe suy kiệt, có nhiều bệnh đồng mắc là đối tượng dễ bị nhiễm lao nhất. Do đó, để bảo vệ sức khỏe bạn và gia đình, bạn cần nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh.

Bệnh lao lây lan như thế nào?

Bệnh lao phổi có thể lây lan qua không khí do các vi trùng lao đang nhân lên và lây lan trong cơ thể người bệnh. Nếu bạn tiếp xúc gần với người mắc bệnh, bạn có thể sẽ nhiễm bệnh. Đó là lý do tại sao các bác sĩ khuyên những người mắc bệnh lao nên ở nhà và tránh xa những người khác càng nhiều càng tốt, cho đến khi họ không còn khả năng lây nhiễm.

Ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao

Nếu đang mắc bệnh lao bạn phải được điều trị ngay lập tức. Phương pháp điều trị có thể bắt đầu với việc sử dụng một số loại thuốc trong 6 đến 12 tháng. Người bệnh cần tuân thủ uống đủ liều được kê ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe hơn, nếu không các vi khuẩn lao có thể sẽ không bị tiêu diệt hoàn toàn.

Sau đây là một số cách giúp người bị lao phổi ngăn ngừa lây lan vi khuẩn:

  • Dùng tất cả các loại thuốc của bạn theo quy định và yêu cầu của bác sĩ;
  • Đừng quên các lịch hẹn tái khám;
  • Luôn che miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Bọc kín khăn giấy trong túi nhựa, sau đó vứt đi.
  • Rửa tay sau khi ho hoặc hắt hơi;
  • Hạn chế tiếp xúc với người khác;
  • Cố gắng ở nhà và giảm thiểu tối đa việc đi đến những nơi công cộng;
  • Sử dụng quạt hoặc mở cửa sổ để di chuyển không khí trong lành.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất. Pacific Cross Việt Nam không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Để bảo vệ sức khỏe tốt hơn từ hôm nay, bạn đã từng nghĩ đến việc tích lũy một khoản tiền cho bản thân hay chưa? Các gói bảo hiểm sức khỏe được ra đời nhằm giúp mọi người chăm lo nhiều hơn cho bản thân. 

Thấu hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe, Pacific Cross Việt Nam hy vọng được đồng hành để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân thân trên chặn đường phía trước. Chúng tôi cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp cho từng yêu cầu và ngân sách khác nhau của khách hàng. Và để được tư vấn miễn phí, đầy đủ về thông tin bảo hiểm sức khỏe, anh chị có thể để lại tin nhắn TẠI ĐÂY

Xem thêm bài viết liên quan:

Nguồn tham khảo

  • Porter, Robert. Kaplan Justin. Homeier Barbara. The Merck manual home health handbook. New Jersey: John Wiley & Sons, Inc, 2009. Bản tải về
  • Pagana, Kathleen D, and Timothy J. Pagana. Mosby’s Manual of Diagnostic and Laboratory Tests. St. Louis, Mo: Mosby/Elsevier, 2010. Bản in. Trang 1194
  • Ngày đăng: Tháng Chín 16, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Chín 16, 2017
Related articles
arrow
arrow
This site is registered on wpml.org as a development site.