Back to top

Bệnh Kawasaki ở trẻ có nguy hiểm không? Những điều bố mẹ cần biết

Người đăng/tác giả : Pacific Cross Vietnam

Bệnh Kawasaki là căn bệnh viêm mạch máu, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu như không được phát hiện hay điều trị kịp thời.

Bài viết sau sẽ đem đến các thông tin hữu ích xoay quanh bệnh Kawasaki nhằm giúp các bố mẹ hiểu hơn về tình trạng sức khoẻ này. 

1. Bệnh Kawasaki là gì?

Bệnh Kawasaki là căn bệnh gây sưng (viêm) ở thành của các động mạch cỡ trung bình trên khắp cơ thể. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và có xu hướng ảnh hưởng đến các động mạch vành, nơi cung cấp máu cho cơ tim. Đôi khi bệnh Kawasaki được gọi là hội chứng hạch bạch huyết niêm mạc vì nó cũng khiến hạch bạch huyết sưng lên trong quá trình nhiễm trùng chẳng hạn như khu vực da và niêm mạc bên trong miệng, mũi và cổ họng.

Kawasaki là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mạch ở trẻ em. Các biến chứng ở tim bé có thể phải chịu đựng nếu như không được đưa đến bệnh viện kịp thời gồm:

  • Viêm mạch máu, thường là động mạch vành, cung cấp máu cho tim
  • Viêm cơ tim
  • Các vấn đề về van tim

Bất kỳ biến chứng nào trong số này đều có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch của bé yêu. Viêm động mạch vành sẽ dẫn đến sự suy yếu và phình ra của thành động mạch hay còn gọi là chứng phình động mạch. Phình mạch làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc gây chảy máu trong, đe dọa đến tính mạng.

Đối với một tỷ lệ rất nhỏ trẻ em phát triển các vấn đề về động mạch vành, bệnh Kawasaki có thể gây tử vong, ngay cả khi được điều trị.

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị Kawasaki 

Các triệu chứng của bệnh Kawasaki thường phát triển thành 3 giai đoạn trong khoảng thời gian 6 tuần. Một số dấu hiệu và triệu chứng cho thấy bé yêu nhà bạn đang mắc phải bệnh Kawasaki gồm:

Giai đoạn 1: Cấp tính (tuần 1 đến tuần 2)

Sốt cao

Triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất của bệnh Kawasaki thường là nhiệt độ cao (sốt) từ 38°C trở lên. Cơn sốt có thể đến nhanh chóng và cơ thể bé sẽ không phản ứng với thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc thường được sử dụng để hạ sốt, chẳng hạn như ibuprofen hoặc paracetamol. Cơn sốt của trẻ thường sẽ kéo dài ít nhất 5 ngày nhưng vẫn có thể kéo dài khoảng 11 ngày nếu không được điều trị thích hợp.

Da phát ban, tay chân sưng đỏ 

Đi kèm với cơn sốt, bé cũng có thể phát ban, mẩn đỏ trên da. Da trên ngón tay hoặc ngón chân của bé có thể sưng lên, con cũng tỏ ra không thoải mái khi bố mẹ chạm vào. 

Viêm kết mạc

Viêm kết mạc cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mắc phải chứng bệnh Kawasaki. Mắt của bé sẽ sưng đỏ lên, tuy nhiên tình trạng này không gây đau đớn hoặc làm cho trẻ quá khó chịu. 

Bất thường tại khu vực môi, miệng, cổ họng và lưỡi

Giai đoạn cấp tính khi mắc bệnh Kawasaki sẽ khiến các khu vực như môi, lưỡi của bé bị đỏ, khô hoặc nứt nẻ hoặc thậm chí là chảy máu. Ngoài ra, lưỡi của con cũng đôi lúc xuất hiện tình trạng viêm, sưng. 

bệnh kawasaki

Giai đoạn 2: Bán cấp (tuần 2 đến tuần 4)

Một số dấu hiệu và triệu chứng mà bé có thể gặp trong giai đoạn 2 mà bố mẹ nên chú ý gồm:

  • Đau bụng
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Nước tiểu có chứa mủ
  • Bong tróc da ở ngón tay và ngón chân
  • Bé tỏ ra cảm thấy không thoải mái khi đi lại 
  • Da và khu vực lòng trắng của mắt chuyển vàng
  • Cảm thấy buồn ngủ và thiếu năng lượng hoặc thậm chí hôn mê

Giai đoạn 3: Dưỡng bệnh (tuần 4 đến tuần 6)

Trong giai đoạn này, tình trạng phổ biến nhất của bé là mệt mỏi, không tập trung và thường xuyên muốn ngủ.

3. Nguyên nhân trẻ mắc Kawasaki là do đâu?

Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh Kawasaki vẫn chưa được công bố rõ ràng vì vẫn còn nhiều điều bí ẩn về tình trạng sức khoẻ này.

4. Bệnh Kawasaki có lây không?

Nhiều bố mẹ không khỏi lo lắng về việc bệnh Kawasaki có thể lây từ người này sang người khác nhưng thực chất đây không phải là loại bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi rất dễ gặp phải căn bệnh này cũng như chuyển biến sang tình trạng nguy kịch nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời. 

5. Phương pháp chữa trị cho trẻ bị bệnh Kawasaki

Các bác sĩ thường điều trị cho trẻ em mắc bệnh Kawasaki bằng các biện pháp như:

  • Tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch (IVIG): Những kháng thể (protein) này giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng và làm giảm nguy cơ phình động mạch vành. 
  • Uống aspirin liều cao: Bé sẽ được dùng aspirin liều cao cho đến khi xét nghiệm máu cho thấy tình trạng viêm đã được cải thiện.

Hầu hết trẻ em mắc bệnh Kawasaki bắt đầu khỏe hơn nhiều sau khi được điều trị bằng Globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch.

6. Bố mẹ cần lưu ý gì khi chăm trẻ bị Kawasaki?

Khi trẻ xuất viện, bố mẹ không nên lơ là việc chăm sóc con để bé mau hồi phục chẳng hạn như đảm bảo phòng ngủ luôn được thoáng khí, mát mẻ cũng như cho con uống nhiều nước và ăn thực phẩm dễ tiêu hoá.

Bên cạnh đó, bạn hãy chú ý cho bé uống thuốc đúng giờ và chú ý xem trẻ có xuất hiện phản ứng phụ hay không. Quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất khoảng 6 tuần nhưng đôi lúc sẽ diễn ra lâu hơn ở một số bé.

Do vẫn chưa biết được nguyên nhân khiến trẻ bị mắc bệnh Kawasaki nên việc phòng ngừa là điều không thể. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bảo vệ bé bằng cách đem đến cho trẻ điều kiện chăm sóc y tế tốt nhất thông qua việc tìm hiểu các gói bảo hiểm từ Pacific Cross – Nhà quản lý bảo hiểm hàng đầu, chuyên về bảo hiểm sức khỏe cho cá nhân hoặc doanh nghiệp. 

Những chính sách cũng như ưu đãi của Pacific Cross trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ khách hàng luôn được đánh giá cao, bạn hoàn toàn có thể xem đây như cơ hội để hạn chế tối đa những rủi ro khi phải chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ. 

Nguồn truy cập:

About Kawasaki Disease

https://www.cdc.gov/kawasaki/about.html

Kawasaki Disease

https://kidshealth.org/en/parents/kawasaki.html

Kawasaki Disease

https://www.webmd.com/children/what-is-kawasaki-disease

Kawasaki disease

https://www.nhs.uk/conditions/kawasaki-disease/ 

Related articles
arrow
arrow