Back to top

Sử dụng các chế phẩm máu

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

This post is also available in: English

Sử dụng các chế phẩm máu

Tác giả:

  • TS. BS. Lê Văn Nhân, Giám đốc Dịch vụ Y khoa Công ty Pacific Cross Việt Nam, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
  • ThS. BS. Trần Vĩnh Tài, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Ngành huyết học hiện đại đề nghị chỉ truyền cho bệnh nhân thành phần của máu mà họ cần, nghĩa là nên dùng các chế phẩm từ máu. Một đơn vị máu vừa được lấy, máu sẽ được tách ra từng thành phần: hồng cầu, tiểu cầu, plasma, tủa đông. Kỹ thuật này cho phép sử dụng tối đa các thành phần của máu. Các chế phẩm từ máu được sử dụng tùy thuộc vào các chỉ định điều trị khác nhau.

Máu toàn phần

Là máu lấy từ mạch máu người cho máu được bảo quản trong túi (chai) có chất chống đông và bảo quản máu. Hiện nay dung dịch bảo quản máu thông thường là CPDA (citrate-phosphate-dextrose-adenine) gồm citrate, phosphat, đường dextrose, adenin.

Mỗi đơn vị máu toàn phần 250 ml có khoảng 30-40 g huyết sắc tố. Ở Việt Nam có các loại đơn vị máu 250ml, 350ml, 450ml. Ngoài ra còn một số đơn vị có dung tích ít hơn (50, 100, 150 ml) cho trẻ em.

Nó được bảo quản ở 2-60C, thời gian bảo quản tối đa là 42 ngày (với dung dịch bảo quản là CPDA). Máu toàn phần lưu trữ chứa thành phần chính là hồng cầu, nếu mới thu nhận còn có tiểu cầu và một số yếu tố đông máu. Bạch cầu nhanh chóng bị huỷ và giải phóng ra các chất trung gian. Ngoài ra trong đơn vị máu toàn phần còn chứa các tế bào lympho và yếu tố huyết tương.

Máu toàn phần được chỉ định truyền trong trường hợp bệnh nhân mất máu ≥ 1/3 lượng máu cơ thể và không nên dùng trên bệnh nhân suy thận, suy tim, chỉ thiếu máu đơn thuần.

Sử dụng các chế phẩm máu

Khối hồng cầu đặm đặc (hồng cầu lắng)

Khối hồng cầu đậm đặc là phần còn lại của máu toàn phần đã tách huyết tương sau khi ly tâm hoặc để lắng và không thực hiện thêm bất kỳ công đoạn xử lý nào khác.

Nó được bảo quản ở 2-60C và được chỉ định trong các trường hợp thiếu máu. Tuy nhiên, khối hồng cầu này truyền chậm, nhất là lúc mới bắt đầu truyền cho người bệnh, còn nhiều bạch cầu nên có thể gây phản ứng truyền máu và gây tan máu sớm do các chất giải phóng từ bạch cầu, còn huyết tương chứa kháng thể.

Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản

Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản là khối hồng cầu đậm đặc có bổ sung dung dịch bảo quản hồng cầu nhằm cải thiện chất lượng hồng cầu. Nó cũng được bảo quản ở 2-60C và được chỉ định trong các trường hợp thiếu máu do suy tim, suy thận.

Khối hồng cầu giảm bạch cầu

Khối hồng cầu giảm bạch cầu là khối hồng cầu được tách bạch cầu bằng phương pháp ly tâm loại bỏ trên 70% bạch cầu có trong đơn vị máu toàn phần ban đầu và được chỉ định trong những trường hợp thiếu máu đơn thuần.

Khối hồng cầu rửa

Khối hồng cầu rửa là khối hồng cầu được loại bỏ huyết tương bằng cách rửa nhiều lần (tối thiểu 3 lần) với dung dịch muối đẳng trương và được pha loãng trong dung dịch muối đẳng trương hoặc trong dung dịch bảo quản hoặc trong huyết tương phù hợp. Chúng được bảo quản ở 22oC trong tối đa 6h và ở 2oC đến 6oC trong tối đa 24h. Các bệnh nhân thiếu máu tan máu tự miễn được chỉ định truyền khối hồng cầu rửa.

Khối hồng cầu lọc bạch cầu

Khối hồng cầu lọc bạch cầu là khối hồng cầu được loại bỏ bạch cầu bằng bộ lọc bạch cầu. Việc lọc bạch cầu phải được thực hiện trong thời gian 72 giờ, kể từ khi lấy máu từ người hiến máu.

Loại này được bảo quản ở 2oC đến 6oC trong vòng tối đa 2 tuần từ khi chiếu xạ, nếu dùng màng lọc rời (hở) thì sau lọc không để quá 24 giờ. Các bệnh nhân thiếu máu có giảm nặng miễn dịch, đặc biệt bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân chuẩn bị ghép sẽ được chỉ định truyền khối hồng cầu này.

Khối hồng cầu đông lạnh

Khối hồng cầu đông lạnh là khối hồng cầu được bảo quản đông lạnh trong dung dịch bảo vệ hồng cầu đông lạnh có glycerol và được bảo quản ở nhiệt độ từ âm 60oC
(-60oC) trở xuống. Trước khi được truyền cho người bệnh, khối hồng cầu đông lạnh phải được làm tan đông, rửa và loại bỏ glycerol, hòa loãng trong dung dịch muối đẳng trương hoặc bổ sung dung dịch bảo quản hồng cầu.

Hạn sử dụng là 10 năm khi bảo quản với dung dịch glycerol 40% ở nhiệt độ từ -80oC đến -60oC hoặc với dung dịch glycerol 20% trong nitơ lỏng ở nhiệt độ từ -150oC đến -120oC; hạn sử dụng là 14 ngày tính từ ngày làm tan đông, rửa hồng cầu loại bỏ glycerol trong hệ thống kín và có bổ sung dung dịch bảo quản hồng cầu; hạn sử dụng không quá 24 giờ nếu bảo quản từ 2oC đến 6oC và không quá 6 giờ nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng kể từ khi làm tan đông và rửa hồng cầu loại bỏ glycerol trong hệ thống hở

Khối tiểu cầu điều chế từ đơn vị máu toàn phần

Khối tiểu cầu chứa phần lớn tiểu cầu được điều chế từ đơn vị máu toàn phần bảo quản ở nhiệt độ từ 20oC đến 24oC trong 24 giờ kể từ khi lấy máu. Loại này được chỉ định cho các bệnh gây giảm tiểu cầu đặc biệt giảm tiểu cầu sau điều trị bệnh ác tính.

Khối tiểu cầu gạn tách từ người hiến máu

Khối tiểu cầu gạn tách là khối tiểu cầu lấy trực tiếp từ người hiến máu bằng máy tách tế bào tự động, được bảo quản ở 22°C trong máy lắc liên tục, tối đa được 5 ngày.

Loại này được dùng cho các bệnh giảm tiểu cầu nặng: sốt xuất huyết có giảm tiểu cầu nặng, giảm tiểu cầu sau điều trị hóa chất, trong các bệnh suy tủy, rối loạn sinh tủy. Đối với xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, chỉ định khối tiểu cầu khi xuất huyết, nguy cơ xuất huyết nặng, hoặc số lượng tiểu cầu thấp (< 20 x 109/lít)

Khối tiểu cầu lọc bạch cầu

Khối tiểu cầu lọc bạch cầu là khối tiểu cầu được điều chế từ máu toàn phần hoặc bằng gạn tách và được loại bỏ bạch cầu bằng bộ lọc bạch cầu. Đối với khối tiểu cầu điều chế trong hệ thống kín: hạn sử dụng theo khuyến nghị của nhà sản xuất túi lấy máu, nhưng không quá 05 ngày kể từ ngày lấy máu và bảo quản tiểu cầu ở nhiệt độ từ 20oC đến 24oC kèm theo lắc liên tục; đối với khối tiểu cầu điều chế trong hệ thống hở: hạn sử dụng không quá 06 giờ, kể từ khi kết thúc điều chế khi bảo quản ở nhiệt độ từ 20oC đến 24oC kèm theo lắc liên tục.

Huyết tương và huyết tương đông lạnh

Huyết tương là phần dịch lỏng không chứa các tế bào máu, được điều chế từ đơn vị máu toàn phần hoặc lấy trực tiếp từ người hiến huyết tương bằng gạn tách. Huyết tương có thể được sử dụng ngay sau điều chế hoặc được đông lạnh (gọi là huyết tương đông lạnh) trong khoảng thời gian tối đa 8 giờ kể từ thời điểm bắt đầu việc đông lạnh với nhiệt độ từ -25oC trở xuống. Huyết tương đông lạnh được dùng khi bệnh nhân mất huyết tương, thiếu thể tích máu.

Huyết tương tươi và huyết tương tươi đông lạnh

Huyết tương tươi là huyết tương có nồng độ các yếu tố đông máu không bền vững duy trì ở nồng độ sinh lý, được điều chế từ máu toàn phần hoặc lấy trực tiếp từ người hiến máu bằng phương pháp gạn tách. Huyết tương tươi đông lạnh là huyết tương tươi được làm đông lạnh huyết tương trong khoảng thời gian tối đa là 18 giờ kể từ khi lấy máu hoặc gạn tách huyết tương. Thời hạn sử dụng là 1 năm nếu bảo quản ở -25oC và nếu để < -25oC có thể để được 2 năm.

Loại này được chỉ định trong các trường hợp: thay thế huyết tương, rối loạn đông máu, bệnh Hemophilia A & B, tai biến dùng quá liều kháng vitamin K, bù các thành phần và thể tích huyết tương, shock do bỏng, mất nhiều máu do chấn thương, phẫu thuật (phối hợp truyền khối hồng cầu và khối tiểu cầu). Huyết tương cũng chứa các yếu tố lây nhiễm nên có thể dùng hóa chất hoặc tia cực tím ức chế virus.

Tủa lạnh

Tủa lạnh là chế phẩm tách từ phần tủa hình thành trong quá trình tan đông huyết tương tươi đông lạnh ở nhiệt độ từ 10oC trở xuống. Tủa lạnh có thể tiếp tục được tinh chế và bất hoạt vi rút bằng hóa chất hoặc nhiệt độ. Tủa lạnh được chỉ định ở bệnh nhân rối loạn đông máu, bệnh nhân Hemophilia A.

Khối bạch cầu hạt trung tính

Khối bạch cầu hạt trung tính được gạn tách trực tiếp từ người hiến máu hoặc điều chế từ các đơn vị máu toàn phần được bảo quản ở nhiệt độ từ 20oC đến 24oC không quá 24 giờ kể từ thời điểm lấy máu. Bệnh nhân nhiễm trùng nặng, không còn bạch cầu hạt, điều trị bằng kháng sinh không kết quả sẽ được chỉ định truyền khối bạch cầu hạt trung tính.

Nói tóm lại, từ máu toàn phần, các bác sĩ huyết học sẽ điều chế thành các chế phẩm từ máu khác nhau với cách sử dụng máu khác nhau. Chính vì máu là một loại “thuốc sinh học” đặc biệt, vừa quý và vừa hiếm, việc truyền máu cần thực hiện đúng chỉ định nhằm đạt hiệu quả điều trị ở mức độ cao nhất. Để có được ngày càng nhiều các chế phẩm từ máu, chúng ta cần tham gia hiến máu tình nguyện vì toàn bộ các chế phẩm từ máu được sử dụng hiện nay là lấy từ người hiến.

Xem thêm bài viết:


Tài liệu tham khảo:

  • Thông tư số 26/2013/TT-BYT ngày 16/09/2013 Hướng dẫn hoạt động truyền máu
  • Cẩm nang vận động hiến máu tình nguyện, NXB Y học, 2013
  • Trang web của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương: https://www.nihbt.org.vn/
  • Trang web của Bệnh viện Truyền máu, Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh: http://www.bthh.org.vn/
Related articles
arrow
arrow