Back to top

Viêm âm đạo: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả cho phái đẹp

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

This post is also available in: English

Viêm âm đạo là một rối loạn phụ khoa phổ biến ở nữ giới. Đừng để bệnh viêm âm hộ – âm đạo ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn. Hãy tham khảo bài viết sau đây để nhận biết viêm âm đạo, nắm được dấu hiệu, các yếu tố nguy cơ cũng như sơ lược cách điều trị bệnh.

Viêm âm đạo là một bệnh lý phổ biến ở phụ nữ.

Viêm âm đạo là một bệnh lý phổ biến ở phụ nữ.

1. Viêm âm đạo là gì?

Viêm âm đạo là bệnh lý nhiễm trùng ở âm hộ và âm đạo dẫn đến tiết dịch, ngứa hoặc đau. Bệnh này khá phổ biến, có tới 1/3 phụ nữ sẽ mắc bệnh ít nhất một lần trong đời. Nguyên nhân do sự mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo hoặc bị nhiễm trùng.

Nếu không may mắc bệnh, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu ở vùng âm hộ và âm đạo. Đôi khi chị em còn cố gắng chịu đựng, ngại ngần chưa đi khám bệnh dẫn đến bệnh tiến triển và đem lại hậu quả đáng tiếc. Vì vậy chị em nên trang bị một số kiến thức về bệnh viêm âm đạo để có những biện pháp phòng bệnh cũng như có cách xử lý phù hợp khi mắc bệnh.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm âm đạo là gì?

Các biểu hiện triệu chứng viêm âm đạo thường gặp gồm:

  • Bị kích thích và ngứa vùng sinh dục
  • Viêm (kích ứng, đỏ và sưng) ở vùng sinh dục
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Âm đạo nặng mùi bất thường
  • Khó chịu hoặc bỏng rát khi đi tiểu.

Đôi khi, bạn có thể gặp các triệu chứng khác, không được đề cập trên đây. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên môn.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Cơ thể của mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau với những tác nhân gây bệnh. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào được liệt kê ở trên hoặc muốn tìm hiểu thêm thông tin về bệnh viêm âm đạo, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có được lời khuyên phù hợp nhất cho mình.

Mỗi trường hợp sẽ có những biểu hiện viêm âm đạo khác nhau

Mỗi trường hợp sẽ có những biểu hiện viêm âm đạo khác nhau

3. Nguyên nhân nào gây ra viêm âm đạo?

Có nhiều tác nhân có thể gây ra nhiễm trùng ở vùng âm đạo và âm hộ. Những tác nhân có thể gây ra viêm âm hộ – âm đạo gồm:

Vi khuẩn

Tác nhân gây viêm âm đạo và âm hộ phổ biến nhất là vi khuẩn. Một số vi khuẩn có thể gây bệnh gồm Streptococcus, Gardnerella và Staphylococcus. Nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây tiết dịch âm đạo bất thường, dịch có màu trắng xám nhạt, có mùi cá thối.

Nấm men

Xảy ra khi có sự phát triển quá mức của một loại nấm. Nấm men gây viêm âm đạo phổ biến là Candida albicans nằm trong âm đạo. Nhiễm loại nấm men này có thể gây ra ngứa vùng sinh dục và tiết dịch âm đạo bất thường: màu trắng, dày, tương tự như phô mai. Nấm men thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai hoặc người mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, lam dụng thuốc kháng sinh cũng là một nguyên nhân gây bệnh. Thuốc kháng sinh có thể diệt vi khuẩn cộng sinh có lợi sống trong âm đạo tạo điều kiện cho nấm men phát triển.

Virus

Các loại virus có thể gây viêm âm hộ – âm đạo thường lây lan qua đường tình dục. Chúng bao gồm herpes và virus gây u nhú ở người (HPV).

Ký sinh trùng

Giun kim, ghẻ và chấy có thể gây viêm âm hộ và âm đạo.

Yếu tố môi trường

  • Vệ sinh kém có thể gây ra viêm âm hộ, âm đạo.
  • Quần áo bó sát, chà xát da và gây kích ứng. Da bị kích ứng sẽ dễ bị viêm âm đạo hơn so với da bình thường. Sự kích ứng cũng có thể làm chậm sự hồi phục của bệnh.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) như trichomonas cũng có thể gây ra viêm âm hộ. Sinh vật này lây lan trong quá trình quan hệ tình dục với người bị nhiễm trùng. Bệnh gây ra sự khó chịu ở bộ phận sinh dục, ngứa và tiết dịch âm đạo bất thường trầm trọng. Dịch tiết có thể có màu vàng, xanh hoặc xám và thường nặng mùi. 

Ngoài ra, Chlamydia, gonorrhea và herpes cũng có thể gây ra viêm âm đạo. Nếu chúng xuất hiện ở trẻ thì rất có thể là dấu hiệu của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em.

Hóa chất

Một số hóa chất có thể gây ra viêm âm hộ. Thường có trong xà phòng, nước hoa vùng kín dành cho nữ giới, nước xịt và thuốc tránh thai. Một số hóa chất có thể gây ra dị ứng bao gồm:

  • Paraben
  • Sodium sulfate
  • Triclosan
  • Dioxane

Nếu có bất kỳ thành phần nào kể trên trong xà phòng hoặc nước giặt tẩy của bạn thì hãy chuyển sang thương hiệu khác. Điều này sẽ giúp phòng ngừa và tái phát bệnh.

4. Những ai thường mắc phải viêm âm đạo?

Viêm âm đạo là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến nữ giới ở mọi lứa tuổi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, viêm âm đạo do vi khuẩn sẽ ảnh hưởng đến gần 30% phụ nữ trong suốt cuộc đời của họ. Nhiễm nấm men thậm chí còn phổ biến hơn, ước tính 3 trong số 4 phụ nữ trong đời nhiễm bệnh do nấm men.

Viêm âm đạo ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của phụ nữ.

Viêm âm đạo ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của phụ nữ.

5. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm âm đạo?

Nguy cơ bị bệnh viêm âm đạo tăng lên khi tham gia một số hoạt động thúc đẩy quá trình nhiễm trùng ở âm đạo. Ví dụ như: bạn có nguy cơ nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu quan hệ tình dục với nhiều bạn tình (đặc biệt nếu họ có tiền sử bị bệnh lây truyền qua đường tình dục) hoặc không sử dụng bao cao su.

Ngoài ra, nguy cơ sẽ tăng lên nếu bạn có thói quen vệ sinh bộ phận sinh dục không kỹ, chẳng hạn như không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi chạm vào âm hộ – âm đạo. Việc lau từ phía hậu môn tới âm đạo sẽ lây lan vi khuẩn trong hậu môn tới âm đạo.

Tuổi tác cũng có thể là một yếu tố tăng nguy cơ phát triển viêm âm đạo. Nguyên nhân là do phụ nữ mãn kinh và các bé gái chưa dậy thì thiếu hormone estrogen có thể làm mỏng thành âm đạo và tăng nguy cơ nhiễm trùng. 

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm mặc quần áo bó sát, có thể tạo ra một môi trường phù hợp với vi khuẩn hoặc nấm men phát triển mạnh. Phụ nữ mang thai hoặc có tiền sử nhiễm trùng âm đạo trước đó cũng thuộc đối tượng nguy cơ bị viêm âm đạo.

6. Điều trị viêm âm đạo

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Để có cách điều trị đúng đắn, phù hợp với từng người và tình trạng bệnh hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm âm đạo?

Bác sĩ sẽ tiến hành khám khung chậu. Quá trình thăm khám này có thể phát hiện các vùng đỏ, mềm trên âm hộ hoặc âm đạo.

Phết dịch âm đạo (kiểm tra khí hư bằng kính hiển vi) thường được thực hiện để xác định nhiễm trùng âm đạo hoặc tăng trưởng nấm men, vi khuẩn. Trong một số trường hợp, lấy dịch âm đạo có thể xác định tác nhân gây ra nhiễm trùng.

Sinh thiết (xét nghiệm mức độ mô học) khu vực bị kích ứng trên âm hộ có thể được thực hiện nếu không tìm thấy dấu hiệu của nhiễm trùng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm âm đạo?

Điều này tùy thuộc vào từng loại viêm âm đạo:

  • Kem chống nấm được sử dụng để điều trị nhiễm nấm men ở âm đạo. Bạn có thể mua hầu hết các loại thuốc này tại nhà thuốc tây. Hãy thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng đi kèm với loại thuốc bạn muốn dùng.
  • Viêm âm đạo do khô âm đạo ở phụ nữ mãn kinh, bạn có thể sử dụng Estrogen ở dạng kem.
  • Nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn hoặc trichomonas, bác sĩ có thể chỉ định điều trị với các loại thuốc sau:
  • Thuốc kháng sinh dạng uống
  • Kem kháng sinh chèn vào bên trong âm đạo.
  • Kem cortisone
  • Thuốc kháng histamin để giúp giảm ngứa.

Bạn hãy chắc chắn sử dụng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và làm theo hướng dẫn sử dụng của nhãn thuốc.

7. Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn kiểm soát viêm âm đạo?

Những thói quen sinh hoạt sau đây có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm âm hộ – âm đạo:

  • Tránh mặc quần áo quá chật gây ra đọng nước và nhiệt
  • Không sử dụng xà phòng thơm hoặc nước hoa xịt bên ngoài hoặc trong âm đạo của bạn
  • Không thụt rửa âm đạo
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Tìm đến sự tư vấn của bác sĩ trong thời kỳ mãn kinh về việc bạn có thể uống thuốc hay sử dụng kem để giúp điều trị khô âm đạo.

Viêm âm hộ là bệnh lý rất phổ biến và gây nhiều khó chịu cho phụ nữ, do đó phòng tránh bệnh là điều rất cần thiết. Nếu không may mắc bệnh, trước tiên bạn hãy đến khám bác sĩ phụ khoa để tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh. Sau đó, bạn có thể được hướng dẫn tự dùng thuốc điều trị tại nhà. Đối với những bệnh nhân bị viêm âm đạo tái phát nhiều lần thì cần phải tái khám phụ khoa thường xuyên để được điều trị đúng cách và dứt điểm bệnh.

Pacific Cross Việt Nam cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp với yêu cầu và ngân sách của khách hàng.

Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân bạn, cho gia đình bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng bạn nhận được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.


Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:


Nguồn tham khảo:

  • Vulvovaginitis?

https://www.webmd.com/women/guide/what-is-vulvovaginitis.

  • Vulvovaginitis.

https://medlineplus.gov/ency/article/000897.htm.

  • Vulvovaginitis.

https://www.healthline.com/health/vulvovaginitis#overview1

  • What increases my risk for vulvovaginitis?

https://www.sharecare.com/health/vulvovaginitis-risk-factors/increases-risk-for-vulvovaginitis.

Related articles
arrow
arrow