Back to top

Ho là gì? Triệu chứng, Dấu hiệu và Cách điều trị

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

Ho thường gặp nhưng ho không phải là một bệnh mà là triệu chứng của các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa hoặc của một số ít bệnh tim mạch. Ho sau một đợt cảm cúm thường không đáng ngại và không cần dùng thuốc giảm ho.

Tuy nhiên, các trường hợp ho khạc đàm kéo dài, ho ra máu là những dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nghiêm trọng hơn như lao phổi, ung thư phổi, viêm phổi hoặc viêm phế quản mạn. Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp sau đây có thể giúp bạn biết được khi nào ho là nguy hiểm và cần được đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Ho là tình trạng gì?

Cơn ho xảy ra do các tế bào dọc theo đường hô hấp bị kích thích, làm cho phổi đẩy không khí ra ngoài với áp lực và tốc độ cao. Tùy thuộc vào thời gian kéo dài, cơn ho có thể là cấp tính, bán cấp, hoặc mạn tính.

Những dấu hiệu và triệu chứng đi kèm với ho là gì?

Các dấu hiệu quan tâm

Ho không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau. Ho có thể là mạn tính hoặc cấp tính. Một số triệu chứng đi kèm với ho bao gồm:

  • Sốt;
  • Ớn lạnh;
  • Nhức mỏi cơ thể;
  • Viêm họng;
  • Buồn nôn hoặc ói mửa;
  • Đau đầu;
  • Đổ mồ hôi đêm;
  • Sổ mũi;
  • Chảy nước mũi sau.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hầu hết các cơn ho thường là do cảm lạnh hoặc cảm cúm và chúng sẽ nhanh chóng tự khỏi. Tuy nhiên, bạn nên khám bác sĩ của bạn nếu bạn nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Cảm thấy chóng mặt sau khi ho;
  • Ho ra máu;
  • Tức ngực;
  • Ho liên tục vào ban đêm;
  • Sốt;
  • Ho không giảm sau 7 ngày;
  • Thở gấp hoặc khó thở.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân nào gây ra ho?

Khi đường hô hấp bị kích thích, phản ứng tự nhiên của cơ thể là sẽ đẩy không khí ra với áp lực mạnh để quét sạch kích thích đó ra khỏi đường hô hấp, đây được gọi là ho. Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây kích ứng phổi, chẳng hạn như:

  • Virus: virus gây nên cảm lạnh hoặc cúm là những nguyên nhân phổ biến nhất. Bằng cách ho, bạn sẽ loại bỏ bớt vi rút ra khỏi phổi của mình;
  • Dị ứng và hen suyễn: phổi sẽ cố gắng loại bỏ những chất gây kích ứng cơ thể bằng các cơn ho;
  • Chất kích thích: chẳng hạn như không khí lạnh, thuốc lá hoặc nước hoa nặng mùi cũng có thể dẫn đến ho;
  • Các nguyên nhân khác: như viêm phổi, chứng ngưng thở khi ngủ, trầm cảm hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng có thể gây ra ho.

Ho có thường gặp không?

Ho là một phản xạ tự nhiên để bảo vệ phổi, điều này giúp làm sạch đường thở và loại bỏ các chất kích thích phổi, chẳng hạn như khói và chất nhầy đồng thời giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Ho kéo dài có thể khiến bạn khó chịu và đôi khi có thể sẽ rất nguy hiểm nếu không được kiểm soát.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị ho?

Các chất kích thích từ môi trường có thể khiến các cơn ho nặng hơn. Ví dụ như những người bị dị ứng với một chất nào đó từ môi trường có thể ho khi họ hít phải chất gây dị ứng đó, tình trạng này có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc chống dị ứng. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ gây ho, hút càng nhiều thuốc thì cơn ho càng trầm trọng.

Người mắc các bệnh phổi mạn tính như hen suyễn hoặc viêm phế quản cũng có nguy cơ cao bị ho dai dẳng.

Một số thuốc có thể gây ho như thuốc ức chế men chuyển (ACE). Tuy nhiên, các cơn ho này thường là ho khan và tình trạng sẽ cải thiện khi bạn ngừng sử dụng thuốc.

Điều trị ho

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nguyên nhân gây ra ho?

Việc chẩn đoán nguyên nhân gây ra ho phần lớn dựa trên những thông tin bạn cung cấp cho bác sĩ. Các bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi như bạn đã ho được bao lâu, các dấu hiệu và triệu chứng kèm theo, cơn ho có nặng hơn hay giảm đi khi bạn thực hiện một số hành động nhất định nào đó hay không…

Đôi khi, các bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm trước khi chẩn đoán. Điều quan trọng để chẩn đoán đúng bệnh là bạn phải cung cấp các thông tin một cách chính xác cho bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị ho?

Thông thường, các cơn ho do nhiễm virut có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cơn ho làm bạn khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, bạn có thể sử dụng một số thuốc ức chế ho bao gồm pholcodine, dextromethorphan và kháng histamin. Nếu bạn bị ho đàm thì có thể sử dụng thêm một số thuốc long đàm. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng do vi khuẩn thì có thể sử dụng thêm kháng sinh.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến các cơn ho?

Bạn sẽ có thể kiểm soát tình trạng ho nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Hãy nghỉ ngơi đầy đủ. Điều này có thể tăng cường hệ miễn dịch của bạn và nhờ đó chống lại virut hiệu quả hơn;
  • Uống nhiều nước;
  • Giảm bớt hoặc cố gắng bỏ hút thuốc lá;
  • Tránh những nơi ẩm thấp;
  • Bạn có thể sử dụng mật ong để làm giảm kích thích ở cổ họng, từ đó giảm ho.

Thảo dược rất hiệu quả trong việc điều trị ho. Ví dụ, để điều trị ho khan bạn có thể dùng lá húng chanh, trà cam thảo, gừng tươi hay nghệ tươi.

Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với một chất kích thích, đây cũng là cơ chế tự bảo vệ của phổi chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, dị vật đường hô hấp. Ho kéo dài luôn là nguyên nhân của một bệnh lý và cần được đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Trong đợt cảm cúm, ho khan sau đó khoảng một tuần là tình trạng bình thường khi đường hô hấp bắt đầu phục hồi, giai đoạn này nếu ho làm bạn khó chịu thì có thể sử dụng thuốc giảm ho hoặc các loại thuốc ngậm dược thảo. Điều lưu ý là khi ho có thể làm văng những giọt chất tiết nhỏ li ti là làm phát tán vi khuẩn hoặc virus lây bệnh, vì vậy bạn nên đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho để tránh lây bệnh cho người xung quanh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất. Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:


Nguồn tham khảo

Related articles
arrow
arrow