Back to top

Xơ phổi hậu COVID: Làm thế nào để khắc phục?

Người đăng/tác giả : Pacific Cross Vietnam

*Tham vấn y khoa: Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Khắc Lương Quang

Năm 2021, một tạp chí khoa học Ấn Độ đã ví xơ phổi như ‘cơn sóng thần kéo theo sau trận động đất’. Những tổn thương lâu dài và khó phục hồi khiến xơ phổi trở thành một trong những di chứng hậu COVID đáng lo ngại nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, xơ phổi chỉ xảy ra ở những bệnh nhân bị viêm phổi và họ vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường nếu biết cách quản lý và khắc phục bệnh.

Xơ phổi hậu COVID là gì?

Bệnh xơ phổi là tình trạng mà các mô trong phổi bị tổn thương, dày và cứng vì mất tính đàn hồi, gây ra sẹo ở phổi, từ đó làm cản trở hoạt động hít thở của người bệnh và làm giảm chức năng trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi.

Xơ phổi hậu COVID (hay còn được gọi là bệnh phổi kẽ hậu COVID) là xơ phổi thứ phát – tình trạng nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái nhu mô phổi bình thường, mà thay bằng những mô xơ.

Bệnh xảy ra ở những bệnh nhân nhiễm vius Corona có viêm nhiễm đường hô hấp dưới và có thể được giải thích theo hai cơ chế sau:

  • Nhiễm virus Corona gây tổn thương trực tiếp đến phổi, nhu mô phổi. Tình trạng này dai dẳng, kéo dài khiến phản ứng chữa lành vết thương diễn ra bất thường, phổi bị xơ hoá.
  • Phản ứng của hệ miễn dịch. Khi virus Corona xâm nhập, hệ miễn dịch được kích hoạt. Các đại thực bào, bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan, tế bào Th2 tập trung tại vị trí tổn thương, giải phóng một lượng lớn các chất trung gian hoá học. Các thành phần này vừa có tác dụng chống viêm, vừa đóng vai trò chất tiền xơ, làm tăng trưởng biến đổi tổ chức mô phổi, tăng hoại tử tạo u hạt sau viêm.
Bác sĩ đưa hình ảnh CT Scan phổi bị xơ hóa cho bệnh nhân lớn tuổi xem.

Xơ phổi hậu COVID là hậu quả của phản ứng viêm ở phổi

Các F0 bị viêm đường hô hấp trên, không bị viêm phổi, sẽ không mắc di chứng xơ phổi hậu Covid-19.

Triệu chứng lâm sàng thường gặp

Xơ phổi mô kẽ là biến chứng nghiêm trọng nhất hậu COVID thường xảy ra nhiều ở những bệnh nhân thở máy, viêm phổi nặng, hút thuốc, nghiện rượu, và khi điều trị oxy liều cao gây stress oxy hóa, chấn thương do thở máy cũng làm tăng khả năng xơ phổi.

Điều đáng lo ngại là xơ phổi vẫn có thể xảy ra ở những bệnh nhân COVID nhẹ, trẻ tuổi và điều trị ngoại trú. Biểu hiện thường gặp như:

  • Ho và khó thở kéo dài khi vận động và tăng lên khi gắng sức. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, cản trở mọi sinh hoạt đời sống thường ngày.
  • Huyết khối, thuyên tắc động mạch phổi do máu ứ trệ, tổn thương nội mạc mạch máu và tăng đông
  • Ngoài ra bệnh nhân còn có các biểu hiện khác như mệt mỏi, sụt cân, đau nhức cơ thể.
Người phụ nữ biểu hiện khó thở khi hoạt động thể chất

Khó thở có thể là một trong những biểu hiện của xơ phổi hậu COVID

Xơ phổi hậu COVID có phổ biến không?

Từ tháng 1/2020 đến thời điểm hiện tại, COVID-19 đã gây ra hơn 506 triệu ca nhiễm, 6,2 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Theo thống kê, đại đa số bệnh nhân mắc bệnh chỉ bị nhiễm trùng nhẹ đến trung bình, 10% sẽ phát triển viêm phổi nặng và 5% sẽ phải đối mặt với tình trạng viêm hô hấp cấp tiến triển (ARDS), để lại những tổn thương phổi nghiêm trọng. Phần lớn các bệnh nhân bị viêm phổi có thể hoàn toàn phục hồi sau bệnh, song, 25% còn lại sẽ gặp những di chứng lâu dài như xơ/ sẹo cứng, làm giảm chức năng của phổi.

Những ai có nguy cơ cao mắc xơ phổi hậu COVID?

Như đã đề cập, xơ phổi là hậu quả của phản ứng viêm ở phổi do COVID-19. Những bệnh nhân có nguy cơ mắc xơ phổi lâu dài sau COVID gồm:

  • Viêm phổi nặng ở đợt bệnh COVID-19 cấp, đặc biệt là bệnh nhân ARDS;
  • Bệnh nhân thở máy áp lực dương, cần điều trị ECMO, thời gian nằm viện lâu dài
  • Người mắc COVID nặng, nồng độ các cytokines tiền viêm trong máu cao
  • Người có tổn thương phổi sẵn có, lớn tuổi, hút thuốc lá.
  • Bệnh nhân mắc bệnh nền (như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim,…) từ trước

Các phương pháp chẩn đoán xơ phổi hậu COVID

Với sự phát triển của y học hiện nay, các bác sĩ có thể chẩn đoán xơ phổi bằng nhiều phương pháp. Tùy theo từng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và điều kiện vật chất của cơ sở y tế, bác sĩ sẽ lựa chọn tiến hành một trong các phương pháp chẩn đoán sau:

  • Chụp X-quang phổi
  • Chụp cắt lớp vi tính phổi
  • Thực hiện bài kiểm tra đi bị 6 phút
  • Đo chức năng hô hấp
  • Các xét nghiệm máu thông thường

Làm thế nào để quản lý và khắc phục xơ phổi hậu COVID?

Bác sĩ đang thảo luận với bệnh nhân lớn tuổi về tình trạng bệnh hậu COVID

Nếu gặp các triệu chứng của xơ phổi hậu COVID, bệnh nhân nên sớm đến bác sĩ chuyên khoa

Hầu hết các bệnh nhân bị di chứng xơ phổi hậu COVID sẽ khỏe mạnh bình thường từ 24-36 tháng kể từ khi khởi phát các triệu chứng cấp tính. Vì vậy, khi bản thân được chẩn đoán xơ phổi hậu COVID, bệnh nhân cần giữ bình tĩnh và tuân thủ các biện pháp điều trị cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Một trong những cách hạn chế tình trạng xơ phổi hữu hiệu đó chính là hạn chế nguy cơ mắc xơ phổi ngay từ giai đoạn mắc COVID-19.

Theo đó, bệnh nhân nên đặc biệt lưu ý về:

  • Chế độ dinh dưỡng. Nên ăn đúng và đủ bữa, bổ sung nhiều vitamin từ các loại rau quả, trái cây, đặc biệt là vitamin C; nói không với thực phẩm chứa caffein (như trà, cà phê), rượu bia và các chất kích thích
  • Chế độ nghỉ ngơi. Không thức khuya, không làm việc quá lao lực hay gắng sức thực hiện các hoạt động thể lực vượt ngoài khả năng của bản thân.
  • Chế độ tập luyện. Nên thực hiện các bài thể dục nhẹ nhàng và điều độ, tập thở thường xuyên để duy trì chức năng của nhu phổi.
  • Giữ ấm cơ thể. Không uống nước lạnh, tránh nằm quạt, máy lạnh. Vệ sinh thân thể bằng cách lau người hoặc tắm nhanh bằng nước ấm
  • Hạn chế căng thẳng, lo âu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bệnh ngày càng tồi tệ hơn, thậm chí làm bệnh nhân tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe hậu COVID.

Khi đã mắc bệnh, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Thông thường, các bác sĩ sẽ kê các thuốc chống xơ hóa cho bệnh nhân để hạn chế tình trạng xơ hóa tiến triển. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ đưa ra lời khuyên về các bài tập thở, bài tập thể chất và chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh nhân, hỗ trợ cho việc phục hồi bệnh một cách hiệu quả nhất.

Pacific Cross Việt Nam hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc và thu nhận được những thông tin hữu ích về tình trạng xơ phổi hậu COVID.

*Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, Pacific Cross Việt Nam không đưa ra chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

 

Nguồn tham khảo:

Lung Fibrosis after COVID-19: Treatment Prospects – PMC (nih.gov)

https://journals.lww.com/lungindia/Fulltext/2021/00001/Post_COVID_lung_fibrosis__The_tsunami_that_will.8.aspx

 

 

Related articles
arrow
arrow