Back to top

Bệnh hẹp van hai lá là gì?

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

This post is also available in: English

Phụ nữ ở tuổi trưởng thành là đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh hẹp van hai lá. Bệnh là hệ quả của bệnh lý thấp do nhiễm liên cầu khuẩn lúc nhỏ. Qua thời gian, bệnh sẽ có diễn biến nặng hơn khi các van tim bị các phức hợp miễn dịch tấn công và làm biến dạng dần. Thông thường, khi phát hiện bệnh thì bệnh nhân đã bị biến chứng nặng như: suy tim, van tim hẹp rất nặng. 

Bệnh hẹp van hai lá thường bị bỏ qua vì lúc xuất hiện các biểu hiện, triệu chứng nhẹ, bệnh nhân hầu như đều ráng chịu đựng hoặc ngó lơ. Để tìm hiểu về bệnh hẹp van hai lá, biểu hiện và hẹp van tim 2 lá có chữa được không mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh hẹp van hai lá thường xuất hiện ở phụ nữ ở tuổi trưởng thành.

Bệnh hẹp van hai lá thường xuất hiện ở phụ nữ ở tuổi trưởng thành.

1. Hẹp van hai lá là bệnh gì?

Bệnh hẹp van hai lá là tình trạng van hai lá bị tổn thương không thể mở hoàn toàn được. Điều này làm cho tâm nhĩ trái khó bơm máu vào tâm thất trái, máu sẽ ứ đọng ở tuần hoàn phổi và tim phải.

Đây là nguyên nhân chính gây ra suy tim sung huyết. Hẹp van 2 lá, cùng với hở van hai lá và sa van hai lá là ba bệnh về van tim hai lá thường gặp.

2. Những ai thường mắc phải hẹp van hai lá?

Cứ 3 bệnh nhân hẹp van hai lá thì 2 trong số đó là nữ. Hẹp van 2 lá thường được chẩn đoán ở độ tuổi trung niên trở lên do càng lớn tuổi, cơ tim cũng như hệ tuần hoàn của cơ thể càng bị lão hóa.

Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

3. Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp van hai lá là gì?

Nếu bạn bị hẹp van hai lá nhẹ, bạn sẽ không có triệu chứng đặc biệt nào. Nếu bị hẹp van hai lá nghiêm trọng, bạn có thể có triệu chứng rung nhĩ hoặc suy tim.

Cụ thể, triệu chứng của bệnh hẹp van 2 lá bao gồm:

  • Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức hoặc khi nằm xuống, kèm theo mệt mỏi. Đây là dấu hiệu suy tim.
  • Rối loạn nhịp tim và hồi hộp (đánh trống ngực).
Những dấu hiệu của bệnh hẹp van hai lá

Những dấu hiệu của bệnh hẹp van hai lá

Các triệu chứng khác của hẹp van 2 lá có thể bao gồm:

  • Đau thắt ngực
  • Ho khan nhiều, đôi khi ho ra máu
  • Sưng chân hoặc mắt cá chân
  • Mệt mỏi
  • Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên (như viêm phế quản)

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám hoặc nhập viện ngay nếu có các triệu chứng như mệt mỏi hoặc khó thở khi hoạt động mạnh, tim đập nhanh, đau ngực.

Nếu đã được chẩn đoán mắc chứng hẹp van hai lá nhưng không có triệu chứng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được theo dõi thường xuyên.

Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

4. Nguyên nhân hẹp van hai lá là gì?

Nếu bạn lớn tuổi, vôi hóa tự nhiên khi về già có thể tổn thương van tim hai lá của bạn dẫn đến bị hẹp van hai lá. Ngoài ra, nguyên nhân chính của chứng hẹp van hai lá là do bạn đã đã từng bị sốt thấp khớp nhưng không điều trị đúng cách. Ngoài ra, nguyên nhân hẹp van 2 lá còn có thể là do bệnh bẩm sinh và mang tính di truyền.

5. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hẹp van hai lá?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc hẹp van hai lá gồm:

  • Đã từng bị sốt thấp khớp lúc nhỏ
  • Nhiễm khuẩn liên cầu không điều trị
  • Trong gia đình đã có người mắc bệnh

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

6. Hẹp van tim 2 lá có chữa được không?

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Hãy thăm khám bác sĩ để biết được bệnh hẹp van tim hai lá có chữa được không?

Hãy thăm khám bác sĩ để biết được bệnh hẹp van tim hai lá có chữa được không?

Những phương pháp nào dùng để điều trị hẹp van hai lá?

Nếu bạn được chẩn đoán hẹp van hai lá nhẹ, bác sĩ sẽ đề nghị bạn nên đi khám định kỳ để được theo dõi tiến triển của van hai lá.

Nếu bạn đã xuất hiện các triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi để điều trị cho bạn.

Phẫu thuật chỉ được thực hiện nếu tình trạng hẹp van hai lá của bạn nghiêm trọng hoặc sử dụng thuốc không đem lại hiệu quả. Phẫu thuật hẹp van hai lá bao gồm:

  • Tạo hình hay nong rộng van bằng bóng
  • Mổ sửa van
  • Mổ thay van tim hai lá

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hẹp van hai lá?

Bác sĩ chẩn đoán hẹp van hai lá bằng cách khám tim và hỏi bệnh sử. Bác sĩ sử dụng ống nghe để nghe âm thổi bất thường giữa các nhịp tim.

Thời gian và vị trí âm thổi giúp bác sĩ chẩn đoán van nào bị ảnh hưởng. Các xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện bao gồm điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim và chụp X-quang ngực.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hẹp van hai lá?

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến hẹp van hai lá bao gồm:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn
  • Chăm sóc răng cẩn thận: Dùng bàn chải và chỉ tơ nha khoa và gặp nha sĩ thường xuyên
  • Hạn chế muối
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Cắt giảm caffeine, rượu và các chất có cồn
  • Tập thể dục

Đối với từng bệnh nhân và từng giai đoạn mà bác sĩ sẽ có những liệu pháp và phương pháp điều trị bệnh hẹp van hai lá khác nhau. Những loại thuốc điều trị nội khoa chủ yếu làm giảm triệu chứng của suy tim sung huyết, điều trị triệt để bệnh chì có phương pháp can thiệp nong van hoặc phẫu thuật thay – sửa van hai lá.

Dù áp dụng phương pháp điều trị nào, bạn cũng nên theo dõi, tái khám thường xuyên để các bác sĩ kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị.

Pacific Cross Việt Nam là nhà cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Các gói bảo hiểm du lịch của chúng tôi cũng cấp nhiều quyền lợi cho khách hàng và phù hợp với mọi yêu cầu và ngân sách của khách hàng.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.

Bảo hiểm sức khỏe

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:


Nguồn tham khảo:

  • Mitral valve stenosis

http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mitral-valve-stenosis/basics/definition/con-20022582.

  • MedlinePlus Medical Encyclopedia

https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000175.htm.

Related articles
arrow
arrow