Nội dung bài viết / Table of Contents
This post is also available in: English
Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nên bệnh thủy đậu đang phát triển mạnh mẽ. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ, phỏng rạ) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi-rút Varicella Zoster Herpes gây ra.
Bệnh thuỷ đậu xảy ra ở mọi lứa tuổi và rất dễ lây lan. Người lớn ít mắc bệnh hơn trẻ em nhưng bệnh thường nặng hơn. Khi một người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi nhảy mũi hoặc ho… thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi và người khác hít phải những hạt bụi đó sẽ lây bệnh ngay.
Bên cạnh đó, vi rút này có khả năng sống được vài ngày trong vảy thủy đậu khi bong ra và tồn tại trong không khí nên bệnh cũng có thể lây lan từ dịch của nốt phỏng thủy đậu. Mặt khác, bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc gián tiếp với đồ vật, dụng cụ sinh hoạt có dính vi-rút gây bệnh. Một đường lây truyền khác là từ mẹ truyền sang thai nhi qua nhau thai hoặc khi sinh.
Người lành sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh khoảng 10 – 14 ngày có khả năng xuất hiện các dấu hiệu như sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Sau đó, xuất hiện các nốt ban đỏ, sau vài giờ xuất hiện bóng nước trên da vùng đầu, mặt; sau đó lan rộng xuống toàn thân.
Bên trong bóng nước có chất dịch trong suốt, nếu bị nhiễm trùng bóng nước sẽ to hơn và chứa chất dịch màu trắng đục. Người bị nhiễm bệnh có thể bị từ chỉ vài mụn cho đến hơn 500 mụn trái rạ trên thân thể.
Bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.
Ban ngứa có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh và làm cho người bệnh dễ nhầm lẫn với một vài bệnh khác. Người bệnh có khả năng lây truyền cho người khác khoảng 5 ngày trước khi xuất hiện bóng nước đầu tiên đến khi khô vảy hoàn toàn.
Bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra hơn, nhưng rất nặng và rất khó trị. Viêm não do thủy đậu cũng xảy ra, không hiếm: sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê.
Những trường hợp này có thể mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, chậm phát triển, động kinh… Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.
Vậy câu hỏi đặt ra: làm sao để không bị lây thuỷ đậu? Bệnh thủy đậu được điều trị chủ yếu là thuốc kháng virus, phòng ngừa nhiễm trùng và các thuốc nâng đỡ tổng trạng giúp cho bệnh sớm hồi phục và ít bị biến chứng nhất.
Bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị đúng, kịp thời, vệ sinh và bôi thuốc đúng cách để giảm tối đa nguy cơ bị sẹo xấu.
Vaccine chống thuỷ đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau: tiêm 1 lần cho tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi; tiêm 1 lần cho các trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào; nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần cho các trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào.
Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.
Nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thuỷ đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu, trong vòng 3 ngày ta có thể tiêm ngừa thì vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu.
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh thủy đậu, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai chưa có miễn dịch với bệnh thủy đậu và cần tránh tập trung đông người trong thời gian có dịch xảy ra.
Để phòng lây bệnh cho cộng đồng, người bệnh cần nghỉ học, nghỉ làm trong khoảng 7 ngày sau khi mụn nước khô; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hay khăn vải, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn; rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch sau khi ho, hắt hơi, trước khi ăn, chế biến thức ăn, nước uống; giữ thông thoáng nhà cửa, trường học, nơi làm việc; khử khuẩn đồ chơi của trẻ, dụng cụ sinh hoạt.
Mọi người cần hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh thủy đậu, từ đó, mỗi cá nhân tự biết cách bảo vệ, chăm sóc bản thân, những người trong gia đình và những người xung quanh.
Hãy quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình mình ngay hôm nay.
Pacific Cross Việt Nam cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp với từng yêu cầu và ngân sách của khách hàng.
Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân bạn, cho gia đình bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng bạn nhận được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.
Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.
Nguồn tham khảo: