This post is also available in:
English
Tác giả: Giang Lê, Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Thường Hanh.
Thủy đậu là một bệnh do virus gây ra khá thường gặp và dễ lây lan. Bệnh biểu hiện bằng nhiều nốt mụn rộp nước nổi khắp cơ thể và trong niêm mạc miệng, lưỡi. Mọi người hầu như chỉ bị thủy đậu một lần trong đời vì sau khi nhiễm bệnh lần đầu, cơ thể tự sản xuất kháng thể chống lại virus và kháng thể này có tác dụng lâu dài.
Thủy đậu (trái rạ) là bệnh gì?
Bệnh thủy đậu, hay còn gọi là trái rạ, là bệnh do virus gây ra. Bệnh lây truyền rất nhanh, ảnh hưởng đến da và niêm mạc.
Hệ miễn dịch ở người sẽ tự miễn dịch hoặc có tự kháng thể với virus sau khi bị bệnh thủy đậu lần đầu tiên. Tuy vậy, ở những trường hợp hệ miễn dịch yếu, thủy đậu có thể tái phát trở lại, gọi là
bệnh zona (tái kích hoạt virus thủy đậu).
Tiêm chủng bằng
vắc xin varicella-zoster có thể ngăn chặn bệnh thủy đậu và bệnh zona.
Những dấu hiệu và triệu chứng của thủy đậu (trái rạ) là gì?
Các triệu chứng xuất hiện từ 7-21 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn.
Những chấm đỏ sẽ xuất hiện trên cơ thể trong 2-3 ngày rồi trở thành mẩn ngứa, từ đó hình thành nên những chỗ rộp dần dần khô và đóng vảy từ 4-5 ngày. Có thể chỉ có vài nốt hoặc cũng có thể lên đến 500 nốt rộp. Bệnh thủy đậu có khả năng lây lan cao nhất trong 1-2 ngày trước khi nổi mẩn ngứa và lên đến 6 ngày sau khi hình thành những nốt rộp. Miệng, tai và mắt cũng có thể xuất hiện những chỗ loét.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu nghi ngờ bạn hoặc con bạn bị thủy đậu, hãy tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Ngoài ra, phải lập tức báo bác sĩ biết nếu bạn gặp những trường hợp sau:
- Các nốt ban lan rộng đến một hoặc cả hai mắt;
- Các nốt ban rất đỏ, cảm giác nóng hoặc nhạy cảm, có thể đó là dấu hiệu của việc da bị nhiễm trùng;
- Phát ban kèm theo chóng mặt, mất phương hướng, nhịp tim nhanh, khó thở, run rẩy, ho nặng, nôn mửa, cứng cổ hoặc sốt cao hơn 39,4 độ C;
- Khi có bất cứ người nào trong gia đình miễn dịch yếu hoặc có trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
Nguyên nhân gây ra thủy đậu (trái rạ) là gì?
Nguyên nhân gây bệnh là do virus mụn rộp varicella-zoster. Bạn có thể bị lây bệnh thủy đậu (trái rạ) nếu như bạn ở gần người mắc bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với chỗ rộp da trên người mắc bệnh.
Những ai thường mắc phải thủy đậu (trái rạ)?
Bệnh có thể xảy ra ở mọi người bất kể giới tính và tuổi tác. Hầu hết các trường hợp bệnh thủy đậu ở trẻ em, thường từ 2 đến 8 tuổi. Bệnh thủy đậu người lớn thường nặng và kéo dài lâu hơn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc thủy đậu (trái rạ)?
Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh trái rạ cao hơn nếu như:
- Chưa từng bị thủy đậu;
- Không được tiêm phòng bệnh thủy đậu;
- Làm việc hoặc có mặt ở trường học, nhà trẻ;
- Sống chung với trẻ em.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ là số chung và chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị bệnh thủy đậu
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán thủy đậu (trái rạ)?
Các nốt mẩn đỏ gây ra do bệnh thủy đậu khá đặc trưng để dễ dàng phân biệt với các loại phát ban khác. Vì vậy, việc chẩn đoán sẽ khá đơn giản. Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào tiền sử bệnh lý và xem xét các nốt mẩn ngứa. Tuy nhiên, bạn nên nói với bác sĩ nếu bạn có bị dị ứng với thuốc để có thể chữa trị phù hợp.
Những phương pháp nào dùng để điều trị thủy đậu (trái rạ)?
Trẻ em khỏe mạnh không cần dùng thuốc mà vẫn có thể giảm bệnh. Các thuốc giảm sốt không chứa aspirin như acetaminophen có thể làm giảm triệu chứng sốt ở trẻ. Không được cho trẻ bị thủy đậu dùng aspirin. Thuốc trị dị ứng, kem thoa như calamine và sữa tắm bột yến mạch có thể làm giảm ngứa. Bạn nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Để ngăn ngừa lây lan bệnh thủy đậu, hãy giữ trẻ cách xa người khác cho tới khi các nốt rộp đóng vảy cứng.
Những người có nguy cơ nhiễm trùng cao và bị suy giảm hệ miễn dịch (ví dụ như người cấy ghép tủy hoặc bệnh bạch cầu) có thể dùng thuốc kháng virus để giảm
biến chứng từ bệnh thủy đậu.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của thủy đậu (trái rạ)?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh trái rạ:
- Gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai và nghĩ rằng bạn có thể mắc bệnh thủy đậu;
- Rửa tay thường xuyên, giặt khăn trải giường và quần áo mới mặc bằng nước xà phòng nóng;
- Cắt móng tay ngắn để tránh làm trầy xước và nhiễm trùng;
- Nghỉ ngơi nhưng cho phép vận động nhẹ;
- Dùng thuốc không chứa aspirin để hạ sốt;
- Thông báo cho y tá và các bậc phụ huynh ở trường do có khả năng bị lây nhiễm;
- Dùng thuốc trị dị ứng và tắm bằng bọt biển mát để giảm ngứa;
- Đi khám bác sĩ nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn 38 độ C hoặc khi bạn cảm thấy yếu ớt, đau đầu hoặc nhạy cảm với ánh sáng;
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn nôn mửa, không thể nghỉ ngơi, khó chịu và giảm ý thức;
- Hãy biết rằng đã có vắc xin ngừa thủy đậu dành cho người chưa từng mắc bệnh.
- Bên cạnh đó, cần phải tránh xa những thực phẩm nên kiêng ăn khi bị thủy đậu vì chúng có thể kích thích vết loét, làm chậm quá trình lành vết thương hoặc thậm chí khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn.
Bệnh thủy đậu kiêng gì?
Khi mới bắt đầu bị thủy đậu, một số lưu ý bạn nắm rõ để bệnh mau khỏi và hạn chế lây lan bệnh sang người khác:
- Kiêng tiếp xúc với nhiều người. Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm với nhiều cách lây truyền khác nhau. Vì vậy, việc tiếp xúc nhiều người sẽ khiến virus gây bệnh lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở những người xung quanh.
- Không chạm, gãi hoặc làm vỡ các nốt thủy đậu. Thủy đậu có dạng mụn nước. Khi mụn nước vỡ, các nốt thủy đậu có thể lây lan nhiều hơn, làm tổn thương da nghiêm trọng.
- Không tiếp xúc với gió, nước. Khi bị thủy đậu, hệ miễn dịch lúc này đang yếu. Nếu bạn tiếp xúc với gió, nước, sẽ tạo điều kiện cho các loại virus xâm nhập vào cơ thể.
- Không ăn thực phẩm tanh (thịt bò, thịt gà, hải sản,….), trái cây có chứa axit, đồ ăn cay nóng, đồ ăn mặn, nhiều dầu mỡ, sữa và các chế phẩm từ sữa, cà phê và socola.
Tuy thủy đậu chỉ mắc một lần trong đời nhưng khi bị nhiễm virus, chúng có khả năng ủ bệnh trong các sợi thần kinh và nếu sau này có yếu tố thuận lợi, virus này sẽ bùng phát trở lại gây ra bệnh giời leo (zona). Một khi tiêm phòng thủy đậu, bạn đồng thời có thể phòng ngừa được bệnh zona. Không những thế, mặc dù thủy đậu là bệnh lành tính nhưng bệnh có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não và có thể để lại sẹo nếu bị nhiễm trùng. Do đó tiêm ngừa là phương pháp đơn giản phòng và tránh biến chứng của bệnh.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
Nguồn tham khảo
Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản in. Trang 81
Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Trang 1772
Ngày đăng: Tháng Tư 16, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Tư 16, 2018