Back to top

Đi du lịch khi bị bệnh – làm sao để “sống sót”?

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

Bạn đã lên kế hoạch cho chuyến đi chơi xa cùng bạn bè, người thân vào tháng tới. Tất cả mọi thứ đều đã sẵn sàng, chỉ chờ tới “giờ G” là bạn và mọi người sẽ bước vào một hành trình thú vị và ý nghĩa.

Thật không may, chỉ trước khi đi 1-2 ngày, bạn đổ bệnh. Dù chỉ là cơn bệnh nhẹ nhưng cũng đủ khiến bạn khó chịu. Chưa bao giờ bạn mong chuyến du lịch bị hoãn như lúc này, tiếc rằng đó là điều không thể.

Phải làm gì đây khi vẫn phải tuân theo lịch trình chuyến đi đã được sắp xếp từ trước, trong khi tình trạng sức khỏe không ổn định? Hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây!

Hủy/dời chuyến đi nhờ bảo hiểm du lịch

Một số gói bảo hiểm du lịch bao gồm các lợi ích hủy/dời chuyến đi. Tức là trong trường hợp bất khả kháng khiến bạn khó lòng đi du lịch như dự kiến, bạn có thể hoãn và lên kế hoạch cho một hành trình mới. Tùy vào từng trường hợp, bảo hiểm sẽ hoàn trả cho bạn phần phí đã đặt cọc trước chuyến đi hoặc hỗ trợ các chi phí tăng thêm cho việc đi lại.

Tuy vậy, không phải tất cả lý do bạn đưa ra để hủy/dời chuyến đi đều được bảo hiểm chấp thuận. Chỉ những căn bệnh phát sinh bất ngờ và bạn được bác sĩ chứng thực là không đủ sức khỏe để tham gia hành trình, bảo hiểm du lịch mới sẵn sàng chi trả.

Như vậy nghĩa là giả sử bạn bị đau dạ dày hoặc cao huyết áp lâu năm, đến sát ngày đi, bệnh tình của bạn bộc phát. Vậy thì bạn khó nhận được khoản bồi thường từ bảo hiểm nếu hủy/dời chuyến du lịch.

Tốt nhất là khi bị bệnh, bạn nên đến bệnh viện để biết được chính xác tình trạng sức khỏe của mình. Nếu nhận thấy bạn khó lòng theo kịp lịch trình dày đặc của chuyến đi, bác sĩ sẽ khuyên bạn không nên cố sức – đây chính là cơ sở để bạn đề xuất chi phí từ bảo hiểm du lịch. Ngược lại, nếu được chẩn đoán chỉ bị bệnh nhẹ (nhiễm khuẩn hoặc cảm lạnh), bạn hãy mang theo thuốc được kê đơn và vác balo lên đường.

Mẹo “sống sót” khi đi máy bay trong lúc bị bệnh

Người khỏe mạnh phải ngồi lâu trên máy bay đã là cực hình rồi. Với những ai đang bị bệnh, cảm giác khó chịu khi bay trên bầu trời suốt nhiều giờ liền càng tăng cao. Vậy bạn có thể làm gì để cảm thấy tốt hơn khi ngồi trên máy bay trong tình trạng ốm? Hãy ghi nhớ các quy tắc sau:

– Bảo vệ những hành khách xung quanh: Khoang máy bay là môi trường rất tốt để virus gây bệnh phát tán và sinh sôi. Do đó, khi đang mang mầm bệnh trong người, bạn cần có ý thức bảo vệ hành khách xung quanh để họ không bị nhiễm bệnh từ mình. Hãy yêu cầu nhân viên sân bay xếp cho mình chỗ ngồi cạnh cửa sổ để bạn có thể quay đầu sang phía cửa nếu ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, nên rửa tay thường xuyên và khử trùng khay ăn cũng như bất cứ thứ gì bạn chạm vào. Thậm chí, bạn hãy đeo khẩu trang nếu đang bị căn bệnh lây lan qua đường hô hấp.

– Chăm sóc bản thân: Không ai hiểu rõ bệnh tình của bạn bằng chính bạn. Vậy nên, cần chủ động mang theo thuốc xịt mũi, thuốc cảm lạnh, thuốc ho, khăn giấy, chăn… hoặc bất kỳ thứ gì bạn nghĩ ra để giảm bớt các triệu chứng bệnh và giúp cho chuyến bay thoải mái hơn. Đừng quên “thủ” các món ăn vặt như trái cây, bánh quy, ngũ cốc, sữa… đề phòng trường hợp bạn không ăn được đồ ăn trên máy bay.

– Giữ nước: Nguyên tắc sống còn của người bệnh là uống thật nhiều nước, ưu tiên nước lọc, nước trái cây, tránh xa caffeine và bia rượu. Bạn cũng nên dùng các loại trà, đặc biệt là trà gừng.

Nếu bạn vẫn chưa thực sự thoải mái sau khi đã áp dụng nhiều cách, hãy nói rõ bệnh tình với một tiếp viên hàng không và nhờ họ giúp đỡ. Các tiếp viên là những người được trang bị kỹ năng về cách chăm sóc người bệnh trên máy bay. Thế nên, họ sẽ có biện pháp giúp bạn cảm thấy thư thái hơn trên chặng bay còn lại.

Mẹo “sống sót” khi đi xe ô tô trong lúc bị bệnh

Không khác mấy so với khi đi máy bay, đi du lịch bằng xe ô tô quả đúng là cơn ác mộng với những ai đang bị cơn ốm hành hạ, nhất là khi người đó mắc thêm chứng say xe. Trong trường hợp này, bạn cần nêu rõ về tình trạng bệnh của mình với những hành khách trên xe, đồng thời đề nghị họ để mình mở cửa sổ nơi bạn ngồi cạnh. Luồng khí trời sẽ xua tan cảm giác ngột ngạt do máy điều hòa mang lại, giúp bạn thấy dễ chịu hơn.

Thêm nữa, bạn hãy luôn giữ tinh thần thoải mái và trò chuyện với người thân thật nhiều để quên đi bệnh tật. Hãy bàn luận về vùng đất mình sắp đến, địa danh mình sắp tham quan và món ăn mình sắp được nếm thử, bạn sẽ có thêm động lực để vượt qua chặng đường dài.

Mẹo “sống sót” khi đi du lịch trong lúc bị bệnh

Lên đường trong tâm thế “chỉ muốn nghỉ ngơi” của một người đang bệnh, bao nhiêu hứng khởi trong bạn gần như tan biến hết. Tuy vậy, trong lúc mọi người hòa mình vào các hoạt động của chuyến đi chơi, chẳng lẽ bạn lại vùi mình ở khách sạn? Mạnh mẽ lên nào! Đừng để con bệnh đánh gục mình, thử làm theo hướng dẫn sau và bạn sẽ thấy dễ chịu hơn:

  • Không tham gia các hoạt động mất nhiều sức (như leo núi, lặn biển, trò chơi cảm giác mạnh…).
  • Ăn các thức ăn dễ tiêu hóa (như trái cây, cháo, súp…), nói “không” với khắc tinh của dạ dày (đồ cay nóng, khó tiêu).
  • Uống thật nhiều nước lọc, nước trái cây và trà.
  • Tắm nước nóng và không tắm quá lâu.

Nếu đã làm hết các cách mà những triệu chứng của bệnh vẫn không thuyên giảm, bạn hãy tìm kiếm sự trợ giúp bằng cách gọi cho đường dây nóng của công ty bảo hiểm du lịch. Đội ngũ chăm sóc khách hàng sẽ giới thiệu cho bạn bác sĩ hoặc bệnh viện gần đó, đồng thời hỗ trợ bạn chi trả chi phí chữa bệnh.

Một số loại thuốc bạn cần mang theo

Trong hành trang đi du lịch, túi thuốc là thứ không thể thiếu. Nó giúp bạn kịp thời ứng phó với các chứng bệnh thông thường. Trong túi thuốc nên chứa:

– Thuốc dị ứng: Việc thay đổi thời tiết, thay đổi môi trường sống cũng như thay đổi nguồn nước, nguồn thức ăn… là nguyên nhân khiến không ít du khách bị dị ứng. Cho nên, trong túi thuốc du lịch của bạn cần có thuốc chống dị ứng như desloratadine (dạng viên dành cho người lớn, dạng siro cho trẻ nhỏ), phenergan và hydrocortisol (kem bôi ngoài da).

– Thuốc hạ sốt: Paracetamol là thuốc hạ sốt đơn thuần mà bà mẹ nào cũng cần mang theo để “chữa cháy” kịp thời khi con mình lên cơn sốt. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt sốt và tăng thân nhiệt. Trẻ mải vui chơi ở ngoài nắng quá lâu có thể bị say nắng, thân nhiệt tăng cao. Lúc này, thuốc hạ sốt sẽ không có tác dụng.

– Thuốc tiêu chảy: Tiêu chảy cũng là một vấn đề thường gặp khi đi du lịch, đặc biệt là với những ai vốn có bụng dạ yếu. Bạn cần thêm vào túi thuốc của mình vài gói oresol hoặc hydrate để bù nước và chất điện giải cho cơ thể. Nếu có trẻ nhỏ đi cùng, đừng quên chuẩn bị cả men vi sinh.

– Thuốc cảm cúm: Khi bị những cơn ho, sổ mũi hành hạ, bạn sẽ thấy những viên thuốc cảm cúm có giá trị như thế nào. Đó là lý do khi đi chơi xa, dù trong nước hay nước ngoài, bạn cũng cần đem theo vài vỉ thuốc cảm.


Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Related articles
arrow
arrow
This site is registered on wpml.org as a development site.