Back to top

Động mạch vành (tim thiếu máu cục bộ) là bệnh gì?

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

This post is also available in: English

Sự bùng nổ của thức ăn công nghiệp và béo phì làm cho tỷ lệ các bệnh lý chuyển hóa và tim mạch ngày càng gia tăng. Bệnh động mạch vành là hậu quả của tình trạng tăng cholesterol máu mà béo phì, đái tháo đườngtăng huyết áp là những thủ phạm gián tiếp gây bệnh. Người bị bệnh động mạch vành có nguy cơ giảm khả năng lao động gắng sức và suy tim, điều này trở thành gánh nặng cho y tế và xã hội.

Định nghĩa

Bệnh động mạch vành (tim thiếu máu cục bộ) là bệnh gì?

Bệnh động mạch vành là bệnh lý động mạch nuôi tế bào cơ tim bị hẹp đi. Tình trạng này thường do sự tích tụ cholesterol hoặc các mảng xơ vữa lên thành động mạch lâu ngày. Quá trình tích tụ này được gọi là quá trình xơ vữa động mạch. Qua thời gian, bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể khiến cơ tim suy yếu, dẫn đến các biến chứng như suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.>

Những ai thường mắc phải bệnh động mạch vành (tim thiếu máu cục bộ)?

Bất cứ ai cũng có thể mắc phải bệnh động mạch vành, tuy nhiên người da đen và người Đông Nam Á là nhóm người có tỷ lệ mắc phải cao nhất. Khoảng từ 5 – 9% những người trên 20 tuổi mắc tình trạng này. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh động mạch vành (tim thiếu máu cục bộ) là gì?

Triệu chứng đầu tiên và rõ ràng nhất của bệnh động mạch vành đó là đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực xuất hiện khi cơ tim không được cung cấp đủ máu giàu oxy. Bệnh nhân có thể cảm nhận sự chèn ép và áp lực đè nặng ở ngực. Cảm giác chèn ép có thể lan ra vai, cánh tay trái, cổ và lưng.

Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân vận động. Những xúc động mạnh về tinh thần hoặc tâm lý cũng có thể gây ra cơn đau thắt ngực. Một trong những triệu chứng khác là khó thở, xuất hiện khi tim phải hoạt động nhiều. Đồng thời ứ đọng tuần hoàn trong phổi, có thể dẫn đến khó thở.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn bị những cơn đau thắt ngực dữ dội, hoặc nếu bạn nghi ngờ mình bị nhồi máu cơ tim, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn bị cao huyết áp, chỉ số mỡ trong máu cao, tiểu đường, béo phì hoặc nếu bạn hút thuốc. Đây là những yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Chẩn đoán và điều trị sớm giúp phòng ngừa và hạn chế diễn tiến bệnh.

Động mạch vành

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành (tim thiếu máu cục bộ) là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc, lượng mỡ trong máu cao, cao huyết áp, tiểu đường hoặc viêm mạch máu là những yếu tố chính làm tổn thương thành động mạch, từ đó gây bệnh động mạch vành.

Khi động mạch bị thương tổn, các mảng bám bắt đầu bám vào động mạch. Qua thời gian, các mảng bám trở nên lớn hơn, khiến vành động mạch trở nên hẹp, từ đó cản trở sự di chuyển của máu giàu oxy đến tim. Nếu các mảng bám này bị vỡ, các tiểu cầu sẽ bám vào vết thương trên động mạch và tạo thành các khối máu đông. Khối máu đông có thể chặn động mạch, khiến cơn đau thắt ngực trở nên nghiêm trọng. Khối máu đông khi có kích thước đủ lớn, sẽ làm tắc động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành (tim thiếu máu cục bộ)?

Sau đây là những yếu tố khiến nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn bình thường:

  • Tuổi tác: lớn tuổi, đây là độ tuổi động mạch càng dễ bị tổn thương và trở nên hẹp hơn;
  • Giới tính: nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn nữ giới;
  • Tiền sử gia đình: nếu người thân trong gia đình bạn bị bệnh tim mạch, nguy cơ bạn mắc bệnh động mạch vành tăng cao;
  • Hút thuốc: nicotine trong thuốc lá có thể khiến động mạch co hẹp trong khi cacbon monooxit có thể gây tổn thương thành mạch;
  • Bạn bị cao huyết áp, nồng độ cholesterol trong máu cao, tiểu đường, béo phì.
  • Bạn trải qua chấn thương tinh thần, tâm lý hoặc căng thẳng trong một thời gian dài.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh động mạch vành (tim thiếu máu cục bộ)?

Các phương pháp điều trị bệnh động mạch vành có thể bao gồm sử dụng thuốc và phẫu thuật.

Các loại thuốc được sử dụng có thể bao gồm:

  • Thuốc giảm cholesterol: bao gồm statins, niacin, fibrates… những thuốc này giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu, từ đó giúp giảm lượng chất béo bám trên thành mạch.
  • Aspirin: aspirin hoặc các thuốc chống đông máu khác giúp hạn chế khối máu đông, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, aspirin có thể không phải là lựa chọn tốt. Vì vậy, hãy báo với bác sĩ nếu bạn bị rối loạn đông máu.
  • Thuốc chẹn beta: thuốc chẹn beta giúp hạ huyết áp, đồng thời phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ.
  • Nitroglycerin: thuốc này có thể giúp bạn giảm đau ngực.
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: giúp hạ huyết áp và bảo vệ cơ tim.

Phẫu thuật:

Nong mạch và đặt stent là thủ thuật phổ biến nhất để điều trị bệnh động mạch vành. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh động mạch vành (tim thiếu máu cục bộ)?

Để chẩn đoán động mạch vành, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra tổng quát, kiểm tra tiền sử bệnh tật và xét nghiệm máu. Các quá trình kiểm tra khác có thể bao gồm điện tâm đồ (ECG), nghiệm pháp gắng sức. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang và siêu âm để có thể kết luận tình trạng bệnh lý của bạn.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh động mạch vành (tim thiếu máu cục bộ)?

Để hạn chế diễn tiến của bệnh động mạch vành, bạn nên duy trì những thói quen sinh hoạt như:

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây và rau xanh, sử dụng các sản phẩm sữa ít béo, hạn chế dùng các thực phẩm ít chất béo bão hòa hoặc chất béo tổng hợp;
  • Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ;
  • Hạn chế sử dụng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày;
  • Tập thể dục thường xuyên, như đi bộ nhanh ít nhất 30 phút/ngày. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia thể dục để được hướng dẫn những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn;
  • Luôn duy trì cân nặng hợp lí.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Bệnh động mạch vành là bệnh nguy hiểm, người bị mắc bệnh có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa sớm bằng cách thực hiện thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.

Trong đó bỏ thuốc lá, tập thể dục, ăn nhiều rau và chất xơ, điều trị ổn định đường huyết, giảm cân nếu béo phì là những hành động hiệu quả có thể ngăn ngừa bệnh. Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:


Nguồn tham khảo

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản in. Trang 401

Porter, Robert. Kaplan Justin. Homeier Barbara. The Merck manual home health handbook. New Jersey: John Wiley & Sons, Inc, 2009. Bản in. Trang 23

Coronary Artery Disease. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/coronaryarterydisease.html. Ngày truy cập 17/09/2015

Coronary Artery Disease. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronary-artery-disease/basics/definition/con-20032038. Ngày truy cập 17/09/2015

How Is Coronary Heart Disease Diagnosed?. http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/cad/diagnosis. Ngày truy cập 17/09/2015

Ngày đăng: Tháng Chín 16, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Chín 16, 2017

Related articles
arrow
arrow