Back to top

Bệnh viêm loét tá tràng là gì? Triệu chứng, nguyên nhân & cách điều trị

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

This post is also available in: English

loét tá tràng

Bệnh viêm loét tá tràng là gì?

Loét dạ dày tá tràng nói chung hay loét tá tràng nói riêng là một bệnh đường tiêu hóa rất thường gặp. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn H.Pylori trong dạ dày tá tràng, có một ít nguyên nhân cũng có thể gây loét là do dùng thuốc kháng viêm nhóm NSAIDs hoặc do stress.

Cách đây gần 30 năm, khi chưa phát hiện ra vi khuẩn H.Pylori, điều trị loét dạ dày đau tá tràng chủ yếu là phẫu thuật cắt dây thần kinh phế vị hoặc cắt một phần dạ dày – tá tràng.

Đây đều là những phẫu thuật lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Ngày nay, loét dạ dày tá tràng được điều trị nội khoa bằng thuốc với khả năng chữa khỏi bệnh rất cao.

Viêm loét tá tràng là gì?

Loét tá tràng là một vết loét mở ở niêm mạc tá tràng, phần đầu tiên của ruột non, nằm ngay sau dạ dày. Thuật ngữ rộng hơn để chỉ tình trạng loét ở dạ dày hoặc viêm tá tràng là bệnh loét dạ dày tá tràng. Hầu hết các nguyên nhân gây loét dạ dày cũng là nguyên nhân gây loét tá tràng.

Tá tràng có niêm mạc, được tạo thành từ các tế bào lát tầng đơn giản và cũng chứa các tế bào chuyên biệt sản xuất ra chất nhầy và một vài enzyme tiêu hóa.

Vậy viêm tá tràng là gì? Với loét tá tràng, niêm mạc bị ăn mòn làm lộ các lớp nằm bên dưới như lớp dưới niêm mạc và trong trường hợp nặng, loét có thể làm thủng thành tá tràng.

Tá tràng có cơ chế bảo vệ riêng chống lại axit dạ dày cùng với rào chất nhầy như dạ dày. Khi axit được phát hiện trong tá tràng, các tế bào niêm mạc tiết ra các ion bicarbonate để trung hòa axit dạ dày trong tá tràng.

Loét hành tá tràng là gì? Bạn có thể hiểu rằng các hormon tiêu hóa như secretin cũng được tiết ra vào trong dòng máu để làm chậm quá trình làm trống dạ dày, do đó cho phép tá tràng đối phó được với một lượng nhỏ axit dạ dày.

Các tế bào biểu mô cũng có thể tích cực bơm ra các ion H+, tiếp tục giảm lượng axit dẫn đến loét hành tá tràng.

loét tá tràng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loét tá tràng?

Các triệu chứng phổ biến của loét tá tràng là:

  • Đau bụng, thường ở vùng bụng trên;
  • Thiếu máu thiếu sắt;
  • Ăn không tiêu;
  • Nôn ói;
  • Nôn ra máu;
  • Tiêu phân đen;
  • Tụt huyết áp và sốc khi chảy máu vết loét ồ ạt.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh loét tá tràng?

Một vết loét tá tràng phát sinh khi các cơ chế bảo vệ để bảo vệ lớp lót biểu bì bị tổn thương. Nhũ trấp axit có nguồn gốc từ dạ dày có thể ăn mòn lớp niêm mạc của tá tràng.

Các nguyên nhân phổ biến nhất của loét tá tràng giống loét dạ dày, bao gồm nhiễm H.pylori và sử dụng NSAIDs.

Nhiễm Helicobacter pylori (H.pylori):

  • Pylori là một loại vi khuẩn gây nhiễm vào lớp niêm mạc dạ dày nhưng cũng có thể kéo dài đến tá tràng, đặc biệt nếu niêm mạc tá tràng bị thay đổi trở nên giống như niêm mạc dạ dày (loạn sản dạ dày). Pylori gây tăng tiết axit dạ dày trong dạ dày và cũng làm giảm hàng rào chất nhầy. Điều này cho phép axit dạ dày tiếp xúc với niêm mạc tá tràng, dẫn đến viêm và cuối cùng là loét.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): NSAIDs là những loại thuốc được sử dụng rộng rãi để giảm viêm và giảm đau. Những thuốc này làm giảm hàng rào chất nhầy của tá tràng, do đó cho phép axit dạ dày tiếp xúc với niêm mạc tá tràng. Sử dụng NSAIDs lâu ngày nhiều khả năng dẫn đến loét tá tràng.

Những ai thường mắc phải bệnh loét tá tràng?

Loét tá tràng phổ biến hơn loét dạ dày. Lỗ loét thường hình thành gần van hành tá tràng và thường xuất hiện ở thành trước tá tràng. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

loét tá tràng

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh loét tá tràng?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Hút thuốc lá;
  • Uống rượu;
  • Lớn tuổi, đặc biệt nếu có tiền sử nhiễm H. Pylori;
  • Bệnh nặng và bệnh nhân suy nhược;
  • Tiêu hóa các chất ăn mòn;
  • Các tình trạng tăng axit như hội chứng Zollinger-Ellison;
  • Virus Epstein-Barr (EBV), cytomegalovirus (CMV) hoặc virus herpes simplex-1 (HSV-1);
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh này;
  • Hóa trị và xạ trị ở bệnh nhân ung thư.

Điều trị loét tá tràng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh loét tá tràng?

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc:

  • Nội soi dạ dày: là một xét nghiệm có thể chẩn đoán loét tá tràng. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ nhìn vào trong dạ dày và phần đầu ruột non (tá tràng). Bác sĩ làm điều này bằng cách đưa một ống kính mỏng có gắn camera, xuống dưới thực quản. Qua đó, bác sĩ có thể nhìn thấy tình trạng viêm hoặc loét nếu có.
  • Xét nghiệm vi khuẩn H. pylori: H. pylori là nguyên nhân gây ra loét. H. pylori có thể được phát hiện thông qua một mẫu phân, xét nghiệm kiểm tra hơi thở, xét nghiệm máu hoặc từ một mẫu sinh thiết lấy trong nội soi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh loét tá tràng?

Những phương pháp dùng để điều trị loét tá tràng là:

  • Sử dụng thuốc ức chế axit: bạn có thể dùng một đợt thuốc từ 4-8 tuần để làm giảm đáng kể lượng axit trong dạ dày. Thuốc được sử dụng phổ biến nhất là thuốc ức chế bơm proton (PPI). Đây là một nhóm các loại thuốc hoạt động trên các tế bào nằm ở dạ dày, làm giảm sản xuất axit. Chúng bao gồm esomeprazole, lansoprazole, omeprazole, pantoprazole, rabeprazole và nhiều tên thương mại khác nhau. Đôi khi, bạn có thể dùng một nhóm thuốc khác gọi là ức chế H2. Chúng còn được gọi là chất đối kháng thụ thể histamin H2. Thuốc ức chế H2 làm việc một cách khác trên các tế bào ở dạ dày, làm giảm sản xuất axit. Khi lượng axit giảm đáng kể, vết loét thường hồi phục. Tuy nhiên, đây không có nghĩa là khỏi bệnh hoàn toàn.
  • Tiệt trừ H. Pylori: gần như tất cả các loét tá tràng là do nhiễm H. pylori. Do đó, một phần chính của việc điều trị là tiêu diệt vi trùng này. Nếu nhiễm trùng không được làm sạch, vết loét có thể sẽ trở lại khi bạn ngừng dùng thuốc ức chế axit. Để tiệt trừ vi khuẩn, bạn cần dùng ít nhất hai kháng sinh. Ngoài ra, bạn cần phải dùng thuốc ức chế axit để làm giảm axit trong dạ dày. Điều này là cần thiết để cho phép thuốc kháng sinh hoạt động tốt. Bạn cần phải thực hiện liệu pháp phối hợp này trong vài tuần. Một đợt phác đồ điều trị phối hợp sẽ làm sạch nhiễm H. pylori 9 trong 10 trường hợp. Nếu H. pylori hết, nguy cơ loét tá tràng tái phát sẽ giảm rất nhiều. Tuy nhiên, ở một số ít người, nhiễm H. pylori sẽ bị lại vào một số giai đoạn trong tương lai. Sau khi điều trị, bạn cần làm một xét nghiệm để kiểm tra xem tình trạng nhiễm H. pylori đã hết chưa. Xét nghiệm này được thực hiện ít nhất là bốn tuần sau khi quá trình điều trị kết hợp kết thúc. Trong hầu hết các trường hợp, xét nghiệm cho kết quả âm tính nghĩa là nhiễm trùng đã khỏi. Thực tế nếu các triệu chứng hết thì cho thấy vết loét và nguyên nhân gây ra loét (H. pylori) không còn hiện diện. Tuy nhiên, một số bác sĩ khuyên vẫn cần thực hiện xét nghiệm này để kiểm tra cho an toàn. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn nếu bạn cần. (Lưu ý: xét nghiệm để khẳng định không còn tình trạng H. pylori thường được khuyến cáo nếu bạn bị loét dạ dày).

loét tá tràng

  • Ngừng dùng thuốc chống viêm nếu vết loét là do thuốc chống viêm: điều này giúp vết loét lành lại. Bạn cũng sẽ được kê toa thuốc ức chế axit trong vài tuần (như đã đề cập ở trên). Điều này ngăn không cho dạ dày tạo axit và cho phép vết loét lành lại. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn cần phải dùng thuốc chống viêm để giảm các triệu chứng viêm khớp và các tình trạng đau khác hoặc dùng aspirin để bảo vệ chống lại huyết khối. Trong những tình huống này, bạn chỉ có một lựa chọn là uống thuốc ức chế axit mỗi ngày vô thời hạn. Điều này làm giảm lượng axit do dạ dày tiết ra và làm giảm đáng kể cơ hội vết loét hình thành lần nữa.
  • Phẫu thuật: trước đây, để điều trị loét tá tràng, bạn cần phải làm phẫu thuật. Lúc đó, các nhà khoa học chưa phát hiện ra H. pylori là nguyên nhân của hầu hết các loét tá tràng và các loại thuốc ức chế axit hiện đại vẫn chưa có. Còn hiện nay, chỉ khi có biến chứng của loét tá tràng như chảy máu nặng hoặc thủng thì bạn mới cần làm phẫu thuật.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh loét tá tràng?

Bạn cần thay đổi chế độ ăn uống, chẳng hạn như chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Sự thay đổi này có thể cải thiện các triệu chứng của bạn, nhưng nó sẽ không giúp vết loét lành lại.

Bạn nên uống rượu vừa phải hoặc không uống. Bạn chỉ nên uống rượu khoảng từ 14 đơn vị mỗi tuần và cố gắng dành 2 ngày mỗi tuần hoàn toàn không uống rượu. Uống quá nhiều rượu có thể khiến vết loét lành chậm hơn và có thể làm cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trước đây không ai có thể nghĩ có một loại vi khuẩn có thể tồn tại và gây bệnh trong môi trường axit cực cao của dạ dày. Phát hiện ra vi khuẩn H.pylori của hai nhà khoa học người Úc Barry Marshall and Robin Warren năm 1984 là một cú đột phá lớn cho y học, từ đó mở ra kỷ nguyên điều trị nội khoa loét dạ dày tá tràng với sự ra đời của nhiều nhóm thuốc kháng tiết axit cũng như kháng sinh mới.

Phác  đồ điều trị loét dạ dày tá tràng gồm nhiều loại thuốc và kháng sinh được kê toa từ 10–14 ngày, trong khi đó các loại kháng tiết axit có thể được kê toa lâu hơn.

Bạn hãy tham khảo thêm thông tin từ các bác sĩ chuyên khoa nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh cũng như tác dụng của thuốc.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất. Pacific Cross không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Pacific Cross Việt Nam cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp với từng yêu cầu và ngân sách của khách hàng. Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân bạn, cho gia đình bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng bạn nhận được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.

Xem thêm bài viết:


Nguồn tham khảo

Related articles
arrow
arrow
This site is registered on wpml.org as a development site.