Back to top

Nhồi máu cơ tim: Bệnh lý có nguy cơ cao gây tử vong

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

This post is also available in: English

Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành – động mạch cung cấp máu nuôi tim – một cách đột ngột. Cơ chế gây bệnh thường do mảng xơ vữa chứa chất béo bám trên thành mạch bị bong ra, làm lộ ra lớp thành mạch máu bị tổn thương, lúc này tiểu cầu kết tụ lại ngay chỗ thành mạch đó và tạo nên cục máu đông gây bít tắc hoàn toàn lòng mạch máu.

Tùy theo vị trí tắc mà mức độ tổn thương trầm trọng khác nhau. Các trường hợp bị tắc nhánh mạch máu nuôi nút tạo nhịp cho tim có thể làm người bệnh tử vong ngay lập tức vì rối loạn nhịp tim.

nhồi máu cơ tim

Bệnh nhồi máu cơ tim là gì?

Bệnh nhồi máu cơ tim là tên gọi y khoa của cơn đau tim cấp, đây là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh xảy ra khi lượng máu nuôi tim bị cắt đứt đột ngột, làm chết tế bào cơ tim. Nguyên nhân là do một hoặc nhiều nhánh mạch vành bị tắc nghẽn. Tắc nghẽn có thể do việc hình thành cục máu đông khi mảng xơ vữa cấu tạo bởi chất béo bị boc tróc.

Tim cần được cung cấp máu và dinh dưỡng liên tục giống như bất kỳ mô cơ nào trong cơ thể. Hai nhánh động mạch vành lớn cung cấp oxy cho cơ tim. Nếu một trong các động mạch lớn hay các nhánh nhỏ bị tắc đột ngột thì một phần tim sẽ bị thiếu oxy, tình trạng này gọi là thiếu máu cơ tim.

Nếu thiếu máu cơ tim kéo dài quá lâu, mô cơ tim sẽ bị chết, gân nên cơn đau thắt ngực hay được gọi là nhồi máu cơ tim.

Cơn đau thắt ngực có thể kéo dài hàng giờ, vì vậy bạn không được quên tìm kiếm sự giúp đỡ nếu như nghĩ mình đang lên cơn đau tim. Trong vài trường hợp, bệnh có thể không có triệu chứng gì, nhưng hầu hết sẽ xuất hiện cơn đau ngực.

Những dấu hiệu và triệu chứng nhồi máu cơ tim?

Những triệu chứng nhồi máu cơ tim thường gặp bao gồm:

  • Đau thắt ngực;
  • Đau ngực lan lên hàm hoặc xuống lưng, cánh tay và bàn tay trái kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện;
  • Khó thở;
  • Đổ mồ hôi;
  • Buồn nôn;
  • Nôn ói;
  • Lo lắng;
  • Ho;
  • Chóng mặt;
  • Tim đập nhanh.

Điều quan trọng bạn cần nhớ là không phải tất cả mọi người bị đau tim đều trải qua cùng triệu chứng hay có mức độ đau như nhau. Đau ngực là triệu chứng thường gặp nhất cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, nữ giới thường hay gặp các triệu chứng sau đây hơn, bao gồm:

  • Khó thở;
  • Đau hàm;
  • Đau lưng;
  • Đau đầu, chóng mặt;
  • Buồn nôn;
  • Nôn ói.
  • Vài phụ nữ bị cơn đau tim có triệu chứng giống cảm cúm.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu nhồi máu cơ tim, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

nhồi máu cơ tim

Nguyên nhân nào gây ra bệnh nhồi máu cơ tim?

Tim là cơ quan chính của hệ tim mạch bên cạnh mạch máu. Một trong những mạch máu quan trọng là động mạch vành. Khi những động mạch này bị tắc hoặc hẹp do mảng xơ vữa hình thành, lưu lượng máu đến tim sẽ bị giảm đáng kể hoặc mất hoàn toàn, điều này có thể gây ra nhồi máu cơ tim. Những nguyên nhân nhồi máu cơ tim có thể kể đến là:

  • Cholesterol xấu: lipoprotein tỷ trọng thấp, là một trong những nguyên nhân chính gây tắc nghẽn động mạch. Cholesterol là một chất không màu tìm thấy trong thức ăn. Cơ thể cũng có thể tự tạo ra chất này. Không phải tất cả các cholesterol đều xấu nhưng lipoprotein tỷ trọng thấp có thể bám vào thành động mạch và gây ra mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa làm tắc nghẽn dòng máu động mạch. Tiểu cầu có thể dính vào thành mạch nơi mảng xơ vữa bong tróc và tạo nên cục máu đông, cục máu đông lớn dần lên làm tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn;
  • Chất béo bão hòa: cũng có thể thúc đẩy hình thành mảnh xơ vữa động mạch vành. Chất béo bão hòa được tìm thấy nhiều nhất trong thịt và các sản phẩm từ sữa bao gồm bơ và phô mai. Những chất béo này có thể làm tắc nghẽn động mạch bằng cách làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu và làm giảm cholesterol tốt;
  • Chất béo chuyển hóa: hay còn gọi là chất béo đã được hydro hóa. Chất béo chuyển hóa được tạo ra bởi con người và có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn. Chất béo chuyển hóa thường được ghi trên nhãn là chất béo đã được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần.

nhồi máu cơ tim

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim như là:

  • Huyết áp cao: bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh tim mạch nếu như đang bị cao huyết áp. Huyết áp bình thường phụ thuộc vào từng lứa tuổi, ở người trưởng thành là dưới 120/80 mmHg.  Huyết áp càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Huyết áp cao sẽ làm tổn thương động mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa;
  • Tăng cholesterol: cholesterol cao sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh nhồi máu cơ tim. Bạn có thể làm giảm lượng cholesterol bằng cách thay đổi chế độ ăn hoặc uống thuốc statin;
  • Tăng triglycerid: nồng độ triglyceride cao cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh nhồi máu cơ tim. Triglycerid sẽ đi khắp cơ thể tới khi được dự trữ trong các tế bào mỡ. Tuy nhiên, vài triglycerid cũng có thể tồn đọng trong động mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa;
  • Đái tháo đường: là tình trạng gây ra bởi lượng đường trong máu cao, làm tổn thương các mạch máu và cuối cùng dẫn đến bệnh mạch vành. Người đái tháo đường có nguy cơ cao bị bệnh động mạch vành;
  • Béo phì: người béo phì có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn. Béo phì thường liên quan đến các tình trạng khác làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch bao gồm: đái tháo đường, cao huyết áp, tăng cholesterol, tăng triglyceride;
  • Hút thuốc lá: làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành. Bệnh cũng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch khác;
  • Tuổi tác: nguy cơ mắc bệnh mạch vành sẽ tăng dần theo tuổi. Đàn ông có nguy cơ cao mắc bệnh này sau 45 tuổi và phụ nữ là sau 55 tuổi;
  • Bệnh sử gia đình: bạn sẽ dễ bị nhồi máu cơ tim hơn nếu như gia đình có người bị bệnh tim mạch sớm. Nguy cơ mắc bệnh sẽ đặc biệt cao nếu trong gia đình có thành viên nam bị bệnh nhồi máu cơ tim trước 55 tuổi hoặc thành viên nữ trước 65 tuổi.

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Stress;
  • Ít vận động;
  • Dùng các thuốc không hợp pháp như cocaine và amphetamine;
  • Bệnh sử về tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ.

Điều trị nhồi máu cơ tim

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim?

Để xác định liệu bạn có nhồi máu cơ tim hay có biểu hiện nhồi máu cơ tim hay không, bác sĩ sẽ nghe tim để kiểm tra nhịp tim có đều hay không và đo huyết áp. Bác sĩ cũng sẽ thực hiện nhiều xét nghiệm khác nếu nghi ngờ có cơn đau tim. Điện tâm đồ được thực hiện để xem hoạt động điện của tim. Bạn cũng có thể cần xét nghiệm máu để kiểm tra các protein liên quan đến tổn thương tim như troponin.

Các xét nghiệm chẩn đoán khác bao gồm:

  • Chụp động mạch vành để xác định đoạn nào bị tắc;
  • Siêu âm tim để xác định vùng cơ tim nào không hoạt động tốt.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nhồi máu cơ tim?

Nhồi máu cơ tim cần được điều trị ngay lập tức, vì vậy hầu hết các trường hợp đều được điều trị ở phòng cấp cứu. Thủ thuật can thiệp mạch vành nhằm để làm thông động mạch, giúp cung cấp máu cho tim.

Trong quá trình can thiệp mạch vành, phẫu thuật viên sẽ đưa ống catheter xuyên qua động mạch để đến chỗ tắc nghẽn rồi bung một bóng nhỏ được gắn với catheter nhằm tái thông mạch máu. Phẫu thuật viên cũng có thể đặt một ống lưới nhỏ stent ở nơi bị tắc, giúp phòng ngừa động mạch hẹp trở lại.

Trong vài trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật bắt cầu mạch vành bằng cách nối tĩnh mạch và động mạch sao cho máu lưu thông vòng quanh qua chỗ tắc. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành thỉnh thoảng được làm ngay lập tức sau cơn nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phương pháp này được thực hiện vài ngày sau cơn đau tim để cho tim có thời gian tự lành.

Các thuốc khác dùng để điều trị nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin, được dùng để phá vỡ máu đông và tăng lưu lượng máu qua các động mạch bị hẹp;
  • Thuốc tiêu sợi huyết để làm ly giải huyết khối;
  • Thuốc kháng tiểu cầu, như clopidogrel, dùng để ngăn ngừa hình thành các huyết khối mới và hạn chế các huyết khối đang tăng trưởng;
  • Nitroglycerin được dùng để làm giãn mạch vành;
  • Thuốc ức chế beta làm giảm huyết áp và cho cơ tim thư giãn giúp làm giảm độ nặng tổn thương;
  • Thuốc ức chế men chuyển được dùng để hạ áp và giảm stress cho tim;
  • Thuốc giảm đau để làm giảm đau ngực.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhồi máu cơ tim?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Dinh dưỡng: chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ngũ cốc, rau, trái cây, thịt nạc. Bạn cũng nên giảm các thực phẩm sau trong chế độ ăn, bao gồm: đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol. Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với người bị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp và cholesterol cao;
  • Tập thể dục nhiều lần trong tuần sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Nếu bị nhồi máu cơ tim gần đây, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu một kế hoạch tập thể dục;
  • Ngưng hút thuốc lá: đây cũng là điều quan trọng. Ngưng hút thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ cơn đau tim và cải thiện sức khỏe tim mạch và hô hấp. Bạn cũng nên tránh hút thuốc lá thụ động.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Những trường hợp người bệnh còn sống sót nhưng không được can thiệp kịp thời thì một phần cơ tim sẽ bị chết và ảnh hưởng lâu dài đến chức năng co bóp của cơ tim.

Khi bệnh nhân nhồi máu cơ tim được đưa tới bệnh viện sớm, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp thông tim đặt stent trong mạch vành, lúc này cơ tim được tái tưới máu và tế bào cơ tim được bảo tồn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị đái tháo đường sẽ có hiện tượng hẹp tắc nhiều nhánh mạch vành và không thể can thiệp đặt stent. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bắc cầu mạch vành khi tình trạng nhồi máu cơ tim ổn định hơn.

Cho dù điều trị bằng phương pháp nào, sau cơn nhồi máu cơ tim, bệnh nhân đều được sử dụng nhiều loại thuốc hỗ trợ và ngăn ngừa cơn nhồi máu tái phát. Bạn hãy theo dõi kiểm tra sức khỏe thường xuyên và uống đủ thuốc theo toa bác sĩ để duy trì tình trạng bệnh tối ưu và phòng ngừa suy tim sau nhồi máu cơ tim.

Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Hãy quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình mình ngay hôm nay.

Pacific Cross Việt Nam cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp với từng yêu cầu và ngân sách của khách hàng. Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân bạn, cho gia đình bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng bạn nhận được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.


Nguồn tham khảo

Related articles
arrow
arrow
This site is registered on wpml.org as a development site.