Back to top

Sốt xuất huyết Dengue: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

This post is also available in: English

Sốt xuất huyết dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue (dengue fever, DF, đọc là đăng-gi) , tại Việt Nam thường được gọi chung là bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây ra do vector truyền qua vết đốt từ muỗi vằn mang mầm bệnh.

Sốt xuất huyết Dengue là gì?

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh gây nên vì bị nhiễm loại virus Dengue thuộc nhóm Flavivirus, họ Flaviviridae với 4 typ huyết thanh ký hiệu DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4, được truyền sang người qua vết đốt của muỗi cái (Aedes aegypti). Loài muỗi này lưu hành ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nó thường gọi là muỗi vằn, chủ yếu đẻ trứng ở môi trường gần nhà và nơi chúng ưa thích là các chum, vại, lu… chứa nước đặt ở trong nhà hay ở ngoài nhà có thể là các ống máng, kẽ lá, ống nứa, vỏ xe hỏng, vỏ đồ hộp, chậu cây cảnh…; tất cả những loại vật dụng này thường điển hình chứa nước tương đối trong.

Tập tính của loài muỗi này chủ yếu là đốt máu người và động vật vào buổi sáng hoặc buổi chiều và nhiệm vụ này do muỗi cái thực hiện. Khi muỗi cái Aedes aegypti hút máu bệnh nhân nhiễm virus dengue, nó sẽ bị nhiễm virus. Sau đó, nó sẽ đẻ trứng, trứng thường nở thành bọ gậy sau 2 – 3 ngày, giai đoạn bọ gậy khoảng 4 – 7 ngày, giai đoạn lăng quăng chừng 1 – 3 ngày; toàn bộ thời gian từ trứng đến khi bọ gậy, lăng quăng phát triển thành muỗi trưởng thành ở điều kiện tốt nhất mất khoảng 7 – 13 ngày. Sau khoảng 1 tuần, con muỗi đó có thể truyền virus khi đốt một người khỏe mạnh. Muỗi cái có thể bay xa tới 400 mét tìm dụng cụ chứa nước để đẻ trứng, nhưng thông thường chúng trú đậu quanh nơi ở của người. Aedes aegypti đã tiến hóa thành loài hút máu ngắt quãng và thích đốt nhiều người trong thời gian hút máu. Cơ chế đó khiến loài muỗi này có khả năng gây dịch cao.

Sốt xuất huyết Dengue

Tình trạng bệnh sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam

Việt Nam được coi là vùng dịch lưu hành địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ. Bệnh thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình tháng cao; ở miền Nam gần như quanh năm, ở miền Bắc từ tháng 7 tới tháng 11. Theo số liệu thống kê do Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, tỷ lệ mắc hàng năm trong vòng 10 năm gần đây dao động từ 40 tới 310 trường hợp trên 100.000 dân, trong đó khu vực miền Nam thường xuyên chiếm trên 70% các ca mắc mới;  tỷ lệ tử vong có thể lớn hơn 1/100.000 dân, tuy nhiên trong những năm gần đây Việt Nam thường duy trì ở mức thấp hoặc rất thấp, từ 0,1 tới 0,01/100.000 người.

Hiện nay, do sự biến đổi khí hậu nên bệnh lại xuất hiện và lưu hành vào mùa hè bắt đầu từ tháng 5. Trong mùa hè nắng nóng, các cơn mưa giông bất chợt thường tạo nên những thủy vực mới cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi, nảy nở ngoài những chỗ truyền thống bình thường; theo đó mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh cũng gia tăng để đảm nhận vai trò truyền bệnh làm cho dịch bệnh bùng phát từ mầm bệnh virus có sẵn tại địa phương.

Bên cạnh đó ở một số nơi, đặc biệt là tại miền Trung do thời tiết quá nắng nóng nên người dân thường lắp đặt hệ thống phun nước thành giọt sương nhỏ bay phủ trên các mái nhà lợp bằng tôn để giải nhiệt, nước đọng lại ở các chỗ trũng thấp và máng dẫn bị bít tắc cũng sẽ tạo nên những nơi cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng. Đồng thời người dân cũng thường sử dụng các thùng chứa nước bơm nước từ dưới lên cao để dùng qua ống dẫn; nếu thùng chứa nước không có nắp đậy kín thì muỗi truyền bệnh vẫn có thể bay vào đó để đẻ trứng. Ngoài ra còn có những yếu tố, điều kiện khác đang được các nhà khoa học nghiên cứu để xác định tại sao bệnh sốt xuất huyết Dengue lại xuất hiện, phát triển và gia tăng trong mùa hè mà không phải là đầu mùa mưa và/hoặc cuối mùa mưa theo quy luật.

Triệu chứng và dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue

Bệnh có các biểu hiện: sốt đột ngột, sốt cao trên 38,50C, kéo dài 2 – 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, phát ban, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu (chân răng, mũi, đường tiêu hóa, tại nơi tiêm, kinh nguyệt kéo dài…); giảm tiểu cầu (dưới 100.000/mm3); có dấu hiệu thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, hematocrite tăng trên 20% so với giá trị trung bình tính theo tuổi và giới. Khi xuất hiện các dấu hiệu trên, người bệnh phải lập tức đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Hiện chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nên cho uống nhiều nước và không nên tự ý dùng các thuốc giảm đau khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. Những người đã hồi phục sau khi nhiễm một chủng virus Dengue sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó. Tuy nhiên họ vẫn có thể bị nhiễm các chủng virus khác và tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng. Người bị nhiễm virus Dengue có thể làm lây truyền virus qua vật chủ trung gian là muỗi Aedes sau khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện (trong vòng 4-5 ngày; nhiều nhất là 12 ngày).

Cần làm gì nếu nghi ngờ bị sốt xuất huyết Dengue

Cách phòng ngừa và điều trị sốt xuất huyết Dengue

Để đề phòng, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế lây truyền bệnh bằng cách ngủ mùng tẩm hóa chất diệt côn trùng, nhất là trong thời gian bị sốt.

  • Tự bảo vệ mình tránh bị muỗi đốt là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất, bằng cách giảm chỗ da hở cho muỗi đốt: mặc quần dài, áo dài tay và dùng kem xua muỗi (có chứa DEET, IR3535 hay Icaridin) là những lựa chọn khả thi nhất.
  • Sử dụng rèm cửa ra vào và cửa sổ, và điều hòa nhiệt độ đều làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.
  • Ngủ màn (và/hoặc màn tẩm hóa chất diệt côn trùng) cũng là một biện pháp bổ sung để tránh bị muỗi đốt khi ngủ ban ngày, hoặc để tránh bị các loại muỗi khác đốt khi ngủ ban đêm (như muỗi truyền bệnh sốt rét). Bình xịt côn trùng trong nhà, nhang muỗi hay các bình phun thuốc diệt côn trùng khác đều có thể làm giảm hoạt động đốt chích của muỗi.
  • Các dụng cụ chứa nước mưa hoặc chứa nước sinh hoạt phải được đậy kín hoặc loại bỏ đúng cách. Những thùng chứa nước cần thiết không bỏ được thì phải rửa kỹ (để loại trừ trứng muỗi) ít nhất tuần một lần. Làm như vậy sẽ tránh không để trứng/ ấu trùng/nhộng phát triển thành muỗi trưởng thành.

Nếu mỗi gia đình đều cố gắng làm giảm mật độ véc tơ truyền bệnh, tỷ lệ lây truyền sẽ giảm hoặc thậm chí chấm dứt. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện thông điệp: “Không lăng quăng, không sốt xuất huyết”.

Hãy quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình mình ngay hôm nay.

 

Pacific Cross Việt Nam cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp với từng yêu cầu và ngân sách của khách hàng. Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân bạn, cho gia đình bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng bạn nhận được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.

 

Nguồn tham khảo

  1. Trang web Văn phòng đại diện Tổ chức y tế Thế giới tại Việt Nam: http://www.wpro.who.int/vietnam
  2. Trang web Viện Y tế công cộng:
  3. Trang web Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn: http://www.impe-qn.org.vn

Trang web Trung tâm truyền thông – Giáo dục sức khỏe Thành phố Hồ Chí Minh: http://www.t4ghcm.org.vn

 

Related articles
arrow
arrow
This site is registered on wpml.org as a development site.