Back to top

Viêm bao hoạt dịch là bệnh gì? Những điều cần biết?

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

This post is also available in: English

Cùng với viêm dây chằng hay viêm khớp, viêm bao hoạt dịch cũng là một bệnh lý xương khớp thường gặp, đặc biệt là những vận động viên thể thao hay những người làm việc tay chân nhiều.

Triệu chứng bệnh gần như tương tự với viêm khớp hoặc viêm dây chằng với biểu hiện là sưng, đỏ, đau mỏi các khớp, vốn là vị trí thường gặp của bao hoạt dịch. Do đó, để chẩn đoán bệnh, bạn cần sự thăm khám và xét nghiệm cẩn thận của các chuyên gia.

Viêm bao hoạt dịch là bệnh gì?

Viêm bao hoạt dịch là sự viêm (sưng, đỏ) của một túi chứa dịch lỏng hay còn gọi là bao hoạt dịch. Bao hoạt dịch thường nằm xung quanh vai, khuỷu tay, hông, đầu gối, bàn chân.

Bao hoạt dịch có vai trò như một lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh như cơ bắp, gân, da, từ đó giúp cho ta cử động dễ dàng hơn.

Viêm bao hoạt dịch thường xuất hiện ở những khớp xương phải cử động thường xuyên. Bệnh có xu hướng tái phát sau khi điều trị, trừ khi nguyên nhân gây ra được ngăn chặn.

Viêm bao hoạt dịch là bệnh gì?

Những ai thường bị viêm bao hoạt dịch?

Tất cả mọi người đều có thể bị viêm bao hoạt dịch. Tuy nhiên, càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao hơn, đặc biệt là ở những người làm các công việc phải lặp đi lặp lại một hoạt động nhiều lần, ví dụ như họa sĩ, người làm vườn, nhạc công…

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bao hoạt dịch là gì?

Triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khá đơn giản và dễ nhận biết. Chúng bao gồm:

  • Cảm thấy đau nhức hoặc cứng khớp;
  • Sưng và tấy đỏ;
  • Cơn đau thường nặng hơn khi bạn di chuyển hoặc ấn vào.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Viêm bao hoạt dịch tụy là một bệnh lý không nghiêm trọng nhưng nếu không chữa trị đúng cách cũng có thể trở nặng. Bạn nên liên hệ bác sĩ ngay nếu:

  • Cơn đau kéo dài hơn 1 tuần mà không giảm;
  • Sưng quá nhiều, tấy đỏ, bầm tím hoặc phát ban khu vực bị ảnh hưởng;
  • Đau nhói bất thình lình, đặc biệt là khi đang tập thể dục;
  • Xuất hiện triệu chứng sốt.

Những-ai-thường-bị-viêm-bao-hoạt-dịch

Nguyên nhân gây ra viêm bao hoạt dịch là gì?

Sử dụng quá mức và chấn thương trực tiếp ở các khớp xương là những nguyên nhân thông thường dẫn đến viêm bao hoạt dịch. Các chấn thương ở khớp xương có thể xảy ra khi bạn chơi thể thao, khi nâng nhấc vật nặng, hoặc các công việc phải hoạt động tay chân nhiều (như cọ rửa sàn… ). Ngoài ra, các bệnh lý như thấp khớp, bệnh gút, bệnh tuyến giáp và tiểu đường cũng có thể gây ra viêm bao hoạt dịch.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch?

Những yếu tố sau đây có thể làm bạn dễ bị viêm bao hoạt dịch hơn:

  • Tuổi tác: tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Nghề nghiệp và sở thích: nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch sẽ tăng lên nếu nghề nghiệp hoặc sở thích đòi hỏi những động tác lặp lại đơn điệu và tạo áp lực lên một vào bao hoạt dịch nhất định. Ví dụ: họa sĩ, thợ làm vườn, nhạc công…
  • Một số bệnh như viêm khớp dạng thấp, bệnh gút và đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị viêm bao hoạt dịch

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Điều trị viêm bao hoạt dịch

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm bao hoạt dịch?

Một số biện pháp chữa trị viêm bao hoạt dịch thông thường bao gồm:

  • Nghỉ ngơi, dừng các hoạt động trong ít nhất 2 tuần. Cố định bằng một thanh nẹp hoặc băng bột trong 7-10 ngày.
  • Đặt đá trên khu vực đau để giảm sưng và giảm đau.
  • Sử dụng các loại thuốc kháng viêm như aspirin, ibuprofen, naproxen có thể hiệu quả đối với viêm bao hoạt dịch nhẹ và vừa.
  • Nếu viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng gây ra, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh cho bạn.
  • Chọc hút, hay rút bớt dịch trong bao hoạt dịch, có thể giúp giảm đau tạm thời và giúp bác sĩ xét nghiệm dịch nhằm kiểm tra bạn có bị nhiễm trùng hoặc bệnh gút không. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái phát, hơn nữa chọc hút quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và đứt gân.

Nếu bệnh vẫn không thuyên giảm sau 6-12 tuần điều trị. Bác sĩ có thể yêu cầu nội soi khớp hoặc phẫu thuật mở để chữa lành các tổn thương và làm giảm áp lực lên túi hoạt dịch.

Một nhà vật lý trị liệu, nhà trị liệu nghề nghiệp hay huấn luyện viên thể thao có thể giúp bạn trong việc sắp xếp lại các hoạt động trong cuộc sống để giảm thiểu ảnh hưởng của viêm bao hoạt dịch.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm bao hoạt dịch?

Các bác sĩ chẩn đoán Viêm bao hoạt dịch trên cơ sở bệnh sử và khám lâm sàng. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số phương pháp chẩn đoán sau:

  • Chụp X-quang để giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng đau, như gãy xương…
  • Siêu âm hoặc chụp MRI có thể được chỉ định nếu viêm bao hoạt dịch không thể được chẩn đoán qua khám lâm sàng.
  • Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm chất dịch lấy từ nơi bị viêm để tìm nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bao hoạt dịch?

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:

  • Nghỉ ngơi và không cử động vùng bị viêm để tăng tốc độ phục hồi.
  • Chườm đá để giảm sưng.
  • Nếu bạn bị viêm bao hoạt dịch ở đầu gối, hãy đặt một chiếc gối giữa hai chân khi nằm nghiêng một bên để giảm áp lực lên đầu gối.
  • Nếu bạn bị viêm bao hoạt dịch ở khuỷu tay, hãy tránh đè lên tay khi nằm nghiêng.
  • Mặc đồ bảo hộ khi chơi các môn thể thao đối kháng.
  • Tránh các hoạt động lặp đi lặp lại.

Viêm bao hoạt dịch là bệnh thường gặp và có thể làm người bệnh khó chịu vì gây đau đớn và giới hạn các hoạt động thường ngày. Bệnh có thể phòng tránh được bằng việc tham gia các hoạt động thể thao với đồ bảo hộ an toàn, hạn chế làm việc nặng để tránh tai nạn lao động.

Khi bị viêm bao hoạt dịch, bạn cần nghỉ ngơi và tránh tạo áp lực lên vùng khớp bị ảnh hưởng. Các thuốc giảm đau thông thường và chườm lạnh có thể giúp bạn giảm đau và dễ chịu hơn. Tuy nhiên, bạn cần đi khám bệnh để bác sĩ xem xét các tổn thương dây chằng, khớp, xương kèm theo nếu có.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất. Pacific Cross không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.


Nguồn tham khảo

Related articles
arrow
arrow
This site is registered on wpml.org as a development site.