Back to top

Mẹo đóng gói hành lý khi đi máy bay

Người đăng/tác giả : Pacific Cross

Một trong những nỗi băn khoăn đối với khách du lịch là đóng gói hành lý sao cho khoa học và gọn gàng, bởi nhiều hãng hàng không áp dụng chính sách tính phí cho hành lý ký gửi. Nhiều người chọn giải pháp nhồi nhét mọi thứ vào túi xách tay, nhưng liệu đó có phải cách hay nhất? Đương nhiên là không, vì hành lý xách tay cũng bị đưa lên bàn cân và tính phí nếu số cân vượt quá mức cho phép.

Vậy, làm cách nào để đóng gói đồ đạc cho chuyến du lịch để không bị tính thêm phí một cách vô lý? Hãy ghi nhớ những mẹo sau:

Nghiên cứu chính sách cụ thể của hãng hàng không bạn sắp đi

Có rất nhiều quy định khắt khe đối với hành lý xách tay và hành lý ký gửi, và không phải quy định của hãng nào cũng như hãng nào. Có hãng hàng không quy định kích thước vali/túi xách (không vượt quá 115cm tương ứng 56 x 36 x 23cm cho tổng kích thước 3 chiều). Nếu bạn xách tay số cân vừa đủ với quy định nhưng đựng trong chiếc túi to cồng kềnh, nhân viên sân bay sẽ từ chối và đề nghị bạn ký gửi hành lý.

Hầu hết các hãng hàng không đều hạn chế hoặc cấm mang chất lỏng trong hành lý xách tay. Bạn chỉ có thể đóng gói rượu, mỹ phẩm dạng lỏng, mật ong… trong vali rồi ký gửi. Bên cạnh đó, một số hãng còn có quy định riêng đối với các vật dụng như nước uống, thức ăn đông lạnh, đồ điện tử, da kéo… Bạn cần hỏi nhân viên hãng hàng không, đại lý vé máy bay hoặc nhân viên du lịch để được tư vấn cụ thể về các quy định đóng gói hành lý.

Tìm hiểu những vật dụng được mang lên máy bay mà không bị tính vào cân nặng hành lý xách tay

Sẽ rất có lợi khi bạn biết hãng hàng không mình đi cho phép hành khách mang theo những đồ dùng gì lên máy bay mà không tính phí ký gửi. Một số đồ dùng đó là:
  • 1 túi xách tay/ví (đối với phụ nữ) và cặp sách (đối với nam giới).
  • Thiết bị điện tử như máy tính xách tay, máy ảnh loại nhỏ, ống nhòm…
  • Nôi trẻ em, xe đẩy gấp gọn.
  • Áo khoác, khăn quàng, chăn.
  • Sách, báo và các vật phẩm phục vụ việc đọc.

Chỉ mang theo những đồ dùng cần thiết

Sắp xếp hành lý gọn gàng và khoa học là tiêu chí hàng đầu giúp bạn có một chuyến đi thoải mái và tràn đầy năng lượng. Bạn nên tối giản hết mức những vật dụng mình mang theo, chỉ ưu tiên các đồ dùng cần thiết như quần áo (chỉ mang vừa đủ mặc), thuốc, kem chống nắng, thực phẩm khô ăn vặt… Hãy mạnh dạn lược bỏ những đồ dùng có thể mua ở nơi đến hoặc khách sạn đã cung cấp sẵn như khăn tắm, kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm…
Nếu chuyến đi có trẻ em, bạn cần chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho bé bởi những vật dụng cá nhân, thức ăn… của bé rất khó tìm được ở các địa điểm du lịch. Hãy đảm bảo bạn mang đủ quần áo ấm, sữa, một số món ăn yêu thích của bé… để không phải loay hoay xoay xở vì thiếu thứ nọ thứ kia trên đất khách.

Đóng gói hành lý một cách chu đáo

Cách sắp xếp hành lý sao cho khoa học sẽ giúp bạn đem được nhiều đồ hơn mà không phải kéo thêm chiếc vali hay túi xách nào. Hãy ghi nhớ các nguyên tắc sau:

1. Từ to tới nhỏ

Nguyên tắc đầu tiên khi đóng gói hành lý là xếp những đồ cồng kềnh vào trước, sau đó xếp các đồ nhỏ hơn vào những khe hở. Bằng cách này, bạn có thể tận dụng tối đa diện tích vali.

2. Cuộn tròn quần áo

Quần áo khá nhẹ nhưng nếu không biết cách sắp xếp, chúng sẽ chiếm diện tích không nhỏ trong vali của bạn. Dân du lịch chuyên nghiệp có cách xếp quần áo rất hay: cuộn tròn. Nhờ vậy, quần áo vừa không nhăn sau chặng bay dài, lại chiếm một phần rất nhỏ trong khoang hành lý. Lưu ý cho bạn là khi cuộn phải chặt tay (như cuộn nem hoặc gỏi cuốn).

3. Bảo quản đồ dễ hư hỏng

Các đồ dùng như chai lọ thủy tinh, rượu, iPad, máy ảnh… cần được bao bọc xung quanh bởi đồ mềm như quần áo, khăn… Bạn đừng để chúng nguyên trong hộp, sẽ rất cồng kềnh.

4. Đóng nắp vali

Sau khi sắp xếp mọi thứ xong xuôi, bạn hãy phủ lên trên một lớp quần áo/chăn/khăn tắm… rồi mới cài dây thắt. Việc làm này giúp giữ mọi thứ trong vali không bị xộc xệch khi di chuyển.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:


Nguồn tham khảo:

Packing Tips for Airline Carry On Rules.

https://www.allianztravelinsurance.com/travel/planning/airline-carry-on-rules.htm

Related articles
arrow
arrow